Những “thiên thần” áo xanh Fas Angel

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 25/01/2023

(HNM) - Chạy Grab mưu sinh, nhưng bất cứ khi nào có người cần hỗ trợ, các thành viên Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel đều tạm gác công việc, sẵn sàng ứng cứu. Hoạt động của Fas Angel đã góp phần không nhỏ vào công việc cứu hộ, cứu nạn trên đường phố Hà Nội và các trục đường vành đai; qua đó, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng khi tham gia giao thông.

Các thành viên Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel thực hiện sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Hết mình vì cộng đồng

Tháng 9-2019, anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở tỉnh Nam Định) và 5 đồng nghiệp là những tài xế xe ôm công nghệ đã cùng sáng lập Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel. Ngoài mục đích sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin của nạn nhân..., Fas Angel còn tham gia tập huấn miễn phí về kỹ năng đào tạo sơ cấp cứu cho cộng đồng.

Nói về lý do thành lập Fas Angel, Đội trưởng Phạm Quốc Việt cho biết, từng là nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Tuyên Quang vào năm 2016, anh không thể quên những giây phút đơn độc, bất lực của bản thân khi nằm chờ cứu. Cảm giác đó luôn ám ảnh và đã thôi thúc anh thành lập Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel với phương châm “Không bỏ rơi ai cả”, luôn có mặt kịp thời để sơ cứu những trường hợp bị tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và các trục đường vành đai.

Anh Phạm Quốc Việt chia sẻ, bản thân anh đã từng có thời gian trong quân ngũ, được đào tạo kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, nên anh cũng tích lũy được khá nhiều kiến thức y khoa. Thời gian đầu, khi thực hiện hỗ trợ sơ cứu tai nạn giao thông một mình, nhiều người còn hoài nghi, thậm chí có trường hợp còn bị người nhà nạn nhân dọa đánh.

Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel nhận tin báo qua số đường dây nóng 082.251.0627, fanpage của đội và các nhóm Zalo. Các thành viên của đội thường trực cố định tại các điểm giao, nút thắt, tuyến đường có mật độ giao thông lớn, dễ xảy ra tai nạn, như: Tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 2, nút giao Kim Liên - Xã Đàn, Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân… Cuối tuần, đội tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, hỗ trợ các hoạt động tình nguyện, liên kết với các tổ chức y tế chuyên về kỹ năng sơ cứu để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, Fas Angel đã có 12 thành viên là nòng cốt để quản lí các hoạt động và có hơn 70 cộng tác viên báo tin, hỗ trợ tại hiện trường. Tất cả đều được trang bị, hướng dẫn những kỹ năng sơ cứu để tác nghiệp trong những lúc nguy cấp.

Khi nhận tin báo, căn cứ định vị, Đội trưởng Phạm Quốc Việt sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng. Trường hợp đưa nạn nhân đi bệnh viện, Fas Angel sẽ cử người bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường để làm việc với cơ quan chức năng.

Ngay từ khi thành lập đội, anh Phạm Quốc Việt đã xác định Fas Angel là tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ nạn nhân hoàn toàn miễn phí. Kinh phí duy trì hoạt động được các thành viên đóng góp hoặc trích từ quỹ do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Fas Angel luôn công khai, minh bạch nguồn tài trợ này.

Mong muốn được mở rộng

Vượt qua gần 400 hồ sơ sáng kiến dự thi, dự án “Phát triển đội hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng” của tác giả Phạm Quốc Việt đã đoạt giải B Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV năm 2022.

Theo Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Nguyễn Ngọc Hà, an toàn giao thông là một trong những lĩnh vực “nóng”, luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Những việc làm cao đẹp của anh Phạm Quốc Việt và Đội hỗ trợ sơ cứu Fas Angel thời gian qua đã lan tỏa và nhận được sự ủng hộ từ gia đình, cộng đồng, được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Đến nay, Fas Angel đã hỗ trợ được hơn 15.000 vụ. Trung bình mỗi ngày, đội hỗ trợ từ 3 đến 9 ca tai nạn, va quệt giao thông. Có không ít trường hợp nạn nhân được đội hỗ trợ, giúp đỡ đã tình nguyện quay trở lại gia nhập đội, từ đó cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.

“Đi làm suốt cả tuần, có rất ít thời gian nghỉ ngơi, nhưng nhiệt huyết và mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp ích cho xã hội, cứu người gặp nạn lại thúc giục tôi khoác chiếc túi cứu thương lên đường vào mỗi sáng”, anh Phạm Quốc Việt tâm sự. Anh Phạm Quốc Việt cho biết, sẽ kết nối với những người có cùng tâm huyết ở nhiều tỉnh, thành phố khác để chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, hướng dẫn chi tiết cách liên hệ kết nối với nhau, cách sơ cứu người khi gặp sự cố trên đường. Anh mong muốn mô hình tiếp tục được mở rộng với số người tham gia ngày một đông hơn, được xã hội đón nhận, qua đó thay đổi nhận thức của mọi người khi tham gia giao thông; được liên kết với Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 để có thể hỗ trợ một cách nhanh nhất cho nạn nhân; đồng thời nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của cộng đồng về kinh phí cũng như dụng cụ y tế.

Thu Hằng