Brazil: Kỳ vọng và hiện thực
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 18/08/2016
31 triệu người dân Brazil vẫn đang sống trong cảnh nghèo khổ. |
Vào năm 2009, khi Rio được chọn làm nơi tổ chức Olympic 2016, Tổng thống Lula da Silva đã rất phấn chấn khi cho rằng, Brazil đã có thể đứng trên “sân khấu” quốc tế. Thời điểm đó, quốc gia Nam Mỹ với 200 triệu dân đang lướt trên ngọn sóng tăng trưởng kinh tế ngoạn mục và Olympic Rio 2016 được kỳ vọng là dịp để phô trương sức mạnh của một cường quốc kinh tế mới. Tham vọng của Brazil là sử dụng việc đăng cai tổ chức hai sự kiện thể thao quốc tế lớn tiếp nối nhau gồm Cúp bóng đá thế giới 2014 và Thế vận hội 2016 để canh tân và phát triển hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của năm 2009 đang ngày lùi xa và từ năm 2015, quốc gia này rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử, nhiều bệnh viện, trường học không có kinh phí hoạt động thì người dân Brazil càng có lý do để chỉ trích việc đầu tư quá nhiều cho tổ chức Olympic. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ngay trong ngày rước đuốc Olympic. Nhiều người bày tỏ sự bất bình đối với Tổng thống tạm quyền Michel Temer, tố cáo Chính phủ của ông đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống hợp hiến Dilma Rousseff, người đang bị Quốc hội đình chỉ chức vụ để xét xử với cáo buộc "làm đẹp" báo cáo tình trạng thâm hụt ngân sách năm 2014.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Brazil Mauricio Santoro, cuộc khủng hoảng này đã hình thành từ nhiều năm trước. Đó là kết quả của sự yếu kém trong quản lý, chi tiêu quá mức và lãng phí của chính phủ. Chính quyền Brazil từng hy vọng, Olympic Rio 2016 sẽ giúp quốc gia này vượt qua khủng hoảng. Nhưng mới đây, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã chỉ ra rằng, Thế vận hội chỉ giúp thành phố Rio cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng nguồn thu thuế. Một khi sự kiện này kết thúc, mọi thứ sẽ trở về như cũ, thậm chí tồi tệ hơn nếu không có những cú hích đáng kể. Tờ Global & Mail ước tính, Brazil có thể lỗ khoảng 6 tỷ USD sau Olympic Rio 2016.
Năm 2011, Brazil vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ vào trữ lượng dầu mỏ lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào cũng như doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa. Nhưng thời hoàng kim đã qua đi nhường chỗ cho cuộc khủng hoảng kéo dài. Tính riêng năm 2015, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP... Ngân hàng trung ương Brazil phải tăng lãi suất đến 14,25%, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Năm ngoái, kinh tế quốc gia Nam Mỹ đã tăng trưởng âm 3,8%, với mức thâm hụt ngân sách tương đương trên 10% GDP. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay, kinh tế Brazil sẽ tiếp tục suy giảm và tăng trưởng âm 3,5%. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập kỷ, kể từ cuộc Đại suy thoái (1930).
Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Brazil chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, đường và cà phê. Đáng tiếc là trong vòng hai năm qua, giá của các mặt hàng này đều giảm mạnh xuống mức thấp nhất và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Petrobras liên quan tới cựu Tổng thống D.Rousseff làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân, giới doanh nghiệp, đầu tư đối với chính phủ. Ngày 10-8 vừa qua, Thượng viện Brazil đã thông qua quyết định mở phiên tòa luận tội Tổng thống D.Rousseff, người bị đình chỉ chức vụ từ ngày 12-5 vì những cáo buộc vi phạm quy định luật ngân sách. Trong trường hợp có 54 nghị sĩ - tương đương 2/3 số ghế - bỏ phiếu đồng ý tại cuộc họp kế tiếp dự kiến vào ngày 25-8 tới đây, bà D.Rousseff sẽ chính thức bị bãi nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động.
Sau nhiều thập kỷ phát triển ấn tượng, Brazil đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kép được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Quan trọng là, với những gì đang diễn ra, chưa có dấu hiệu cho thấy những thách thức hiện nay sẽ được vượt qua trong tương lai gần.