Cần giải quyết đồng bộ vấn đề việc làm và an sinh xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 25/01/2023

(HNM) - Nhân dịp năm mới 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chia sẻ với báo chí về kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, việc làm năm 2022 và mục tiêu xây dựng thị trường lao động bền vững năm 2023.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đất nước ta đã trải qua năm 2022 rất nhiều biến động và diễn biến khó lường ở trong nước cũng như trên thế giới. Hậu quả của đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, người lao động. Trong bối cảnh đó, các chính sách an sinh xã hội và sự lãnh đạo linh hoạt, sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân mà trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ.

Trong ba năm qua, chúng ta đã ban hành hàng chục chính sách để duy trì mặt bằng chung cho đời sống nhân dân, bảo đảm các chính sách đối với người có công, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ và hỗ trợ đối với trẻ em bị ảnh hưởng do bị mồ côi bởi các tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, từ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 6 nghị quyết và quyết định nhằm trực tiếp hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Với 6 nghị quyết và quyết định chưa có tiền lệ này, nước ta đã huy động tới 104.000 tỷ đồng để hỗ trợ 68,67 triệu lượt người và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động. Qua đó góp phần khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là duy trì chuỗi cung ứng lao động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, lưới an sinh xã hội bảo đảm mức độ hỗ trợ tối thiểu, nhưng thời gian tới sẽ phải tính toán tới đòi hỏi cao hơn một bước, đó là các chính sách có thể bảo đảm cho người dân, người lao động được ba yếu tố: Phòng ngừa rủi ro, khắc phục rủi ro và chủ động ứng phó với rủi ro. Khi đó, lưới an sinh và chính sách xã hội sẽ bền vững và toàn diện.

Cùng với đó, chính sách giảm nghèo tập trung vào cốt lõi là tạo sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Chính sách cũng hướng tới tạo điều kiện để xóa được toàn bộ nhà tạm cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; chăm lo phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em…

Về thị trường lao động, trong năm 2023, dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra trong quý I, quý II. Chúng ta phải có bài toán để đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Hai vấn đề việc làm và an sinh xã hội sẽ cần giải quyết đồng bộ, tiến hành đồng thời. Năm 2023 và những năm tới, việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững, mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững.

Theo Chinhphu.vn