Cán bộ cần phải biết gì?

Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 19/08/2016

(HNM) - Làm cán bộ cần phải biết gì”?


Một câu hỏi xem ra có vẻ hơi thừa - vì không khó để tìm ra những câu trả lời.

Cách đây 71 năm, ngay sau khi chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân đầu tiên ra mắt hơn 2 tuần, ngày 19-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên Báo Cứu quốc số 46 nhấn mạnh: “Chính phủ là công bộc của dân… Phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”.

Gần một tháng sau, trong tác phẩm “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng Báo Cứu quốc ngày 17-10-1945, tiêu chuẩn cơ bản của cán bộ làm việc trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục được Người khắc họa rõ nét hơn qua phân tích: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề…”.

Những “lầm lỗi rất nặng nề” ấy, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ dưới 6 dạng: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Mỗi lầm lỗi lại được Người chỉ rất cụ thể ở các biểu hiện trong hành vi của cán bộ. Nào là “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Nào là “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ... thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức”. Hoặc như: “kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai...”.

Đấy là những “tiêu chuẩn” và thực trạng “căn bệnh” trong đội ngũ cán bộ cách đây 71 năm!

Cũng dễ tìm thấy một câu trả lời từ cách tiếp cận khác - căn cứ vào nghĩa vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của đất nước. Đó là Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1988, tiếp đó là Luật Cán bộ, công chức năm 2008 rồi Luật Viên chức năm 2010… Ở đó, những quy định về tiêu chuẩn, nghĩa vụ, yêu cầu của công chức, viên chức trong các mối quan hệ “với mình”, “với việc”, “với người” (đồng nghiệp, người dân…), “với tổ chức”… đã được nêu ra rất cụ thể và rõ ràng.

Ngần ấy đã đủ để khép lại câu hỏi “Làm cán bộ cần phải biết gì”? Câu trả lời là: Chưa!

Cách đây ngót 20 năm, Nhà hát Tuổi trẻ có trình diễn vở hài kịch “Bệnh nói nhiều”, trong đó nhân vật chính do nghệ sĩ Đức Khuê đảm nhận đã khắc họa một nhân vật hết sức độc đáo, với câu nói khá hóm hỉnh: “Ở đời phải biết mình là ai”.

Dưới một góc độ nghiêm túc, dù hệ thống văn bản đã đầy đủ, dù những “căn bệnh” đã được chỉ ra từ lâu, tiếc thay đến giờ nhiều cán bộ, công chức vẫn chưa thật sự “biết mình là ai” ở đời!

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính ngày 17-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá về thực trạng nền hành chính đất nước hiện nay: Bộ máy cồng kềnh, thể chế còn phức tạp. Trong đội ngũ còn nhiều cán bộ, viên chức, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực. Bệnh quan liêu chưa giải quyết được. Cán bộ, công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng phục vụ nhân dân. Còn nhiều trường hợp có tình trạng xin - cho, nhũng nhiễu dân, nhất là những cấp liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

Nhìn lại 6 “lầm lỗi rất nặng nề” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ cách đây 71 năm khi nói về những “con sâu” trong bộ máy công quyền, mới thấy hết tính thời sự của những gì đang tồn tại. Vẫn còn đó “lầm lỗi cậy thế” khiến người dân hết sức bất bình. Không chỉ thiếu tài, kém đức, không tôn trọng tổ chức… mà còn quên mất mình là “công bộc” - có những lời lẽ không chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp với người dân, cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan. Việc Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND thành phố phê bình, chấn chỉnh phát ngôn không chuẩn mực với báo chí của cán bộ vừa qua là một điều cần nghiêm túc suy nghĩ về nguyên tắc ứng xử văn minh, thanh lịch. Vẫn còn đó câu chuyện về “kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ 71 năm trước…

Vậy nên để cán bộ, công chức thật sự “biết mình là ai” ở đời - trước hết, cần phải làm cho được những đòi hỏi như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra: “Là cán bộ - phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân. Phải thấm nhuần 3 xin là "Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn" cũng như cả “xin lỗi”.

“Giỏi nghiệp vụ”, ấy là nghiệp vụ chuyên môn tương ứng với công việc được giao. Nhưng đó còn phải là nghiệp vụ về công nghệ thông tin - đủ để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Có vậy mới góp phần tạo ra một nền hành chính thông suốt, minh bạch, công khai, lấy sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp làm mục đích tối thượng

“Có đạo đức”, không chỉ dừng ở biết và thấm nhuần “4 xin” như Thủ tướng đã chỉ ra (và cũng chính Thủ tướng đã thực hành nêu gương một cách thuyết phục khi nhận trách nhiệm của chính mình và xin lỗi nhân dân trong sự việc đoàn xe tháp tùng của Chính phủ đi vào phố đi bộ ở Hội An gây xôn xao dư luận tuần trước). Đó còn là phải biết mình vinh dự đại diện cho chính quyền “của dân, do dân, vì dân” nên không được phép vô cảm trước dân, trước tổ chức, trước công việc. Đó là phải biết luôn “tự kiểm” lại mình, khép mình vào nguyên tắc tổ chức, vào tập thể và đồng chí, đồng đội để không “tranh công, đổ lỗi”, luôn gắng giữ cho đẹp hình ảnh “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”.

“Có đạo đức” là phải biết đau đớn, xót xa trước những hành vi lãng phí tài sản công, lãng phí tiền bạc, thời gian của công dân, của tổ chức… để quyết vượt lên. Càng không thể bình tâm trước cảnh một bộ phận không nhỏ cứ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà không góp được sản phẩm, hiệu quả gì cho đơn vị, cơ quan. Mỗi cán bộ, công chức là người thi hành công vụ, song còn là đại diện cho một ngành, địa phương, quốc gia đang hội nhập nhanh, sâu rộng với thế giới… nên không thể không biết xấu hổ khi mình “thua chị, kém em”. Đơn giản vì nhiều cá nhân tụt hậu,

sẽ kéo theo một bộ phận tụt hậu; nhiều bộ phận tụt hậu sẽ kéo theo ngành, địa phương tụt hậu và rộng dài hơn là đất nước tụt hậu.

Cách đây 71 năm, với thái độ chân thành, nghiêm khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ… Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”.

Làm cán bộ, thời nào cũng vậy - phải biết và luôn nhớ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”!

Cần lắm!

Long Hà