Triều Tiên khôi phục sản xuất plutoni: Khoét thêm hố sâu ngăn cách

Thế giới - Ngày đăng : 07:03, 20/08/2016

(HNM) - Sau vụ phóng thử tên lửa hồi đầu tháng 8, bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng khi Bình Nhưỡng xác nhận việc nối lại hoạt động sản xuất plutoni, một chất phóng xạ được sử dụng trong quy trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Động thái này không chỉ tiếp tục khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn đe dọa tình hình an ninh khu vực.

Triều Tiên xác nhận tái sản xuất plutoni tại khu phức hợp Yongbyon.



Bình Nhưỡng tuyên bố không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân chừng nào còn tồn tại những mối đe dọa từ Mỹ. Viện Năng lượng nguyên tử, phụ trách các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon thông báo rằng: Nước này đang chế tạo uranium làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân “như kế hoạch”. Đồng thời, Triều Tiên sẽ tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, nếu Washington tiếp tục có những hành động “liều lĩnh”. Mỹ, Hàn Quốc lập tức phản ứng gay gắt trước động thái này và cho rằng đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner kêu gọi Triều Tiên tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông M.Toner cũng tái khẳng định “cam kết vững chắc của Mỹ bảo vệ các đồng minh trong khu vực, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun cho biết, nước này có kế hoạch tham vấn chặt chẽ với các nước cũng như các tổ chức quốc tế về cách ứng phó với việc Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutoni.

Ngay sau tuyên bố của Triều Tiên, Hàn Quốc đã tiến hành đợt tập trận pháo binh lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực biên giới liên Triều, với sự góp mặt của khoảng 300 pháo tự hành K-9 và K-55 từ 49 tiểu đoàn pháo binh. Quân đội Hàn Quốc khẳng định sự kiện này thể hiện rằng, Seoul sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động gây hấn nào của Bình Nhưỡng. Sau cuộc thao luyện, Seoul sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự khác có tên “Ulchi Freedom Guardian” với Mỹ. Đồng thời, Chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye bắt đầu đàm phán với các quốc gia đồng minh về việc trừng phạt Triều Tiên vì hành động nối lại sản xuất plutoni cấp độ vũ khí và không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân.

Thực tế cho thấy những biện pháp cứng rắn của Mỹ cũng như các đồng minh ở Châu Á với Bình Nhưỡng không tạo ra chuyển biến tích cực mà ngược lại, thường khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ và Hàn Quốc thực hiện những bước chuẩn bị cho kế hoạch triển khai Hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) đã khiến Triều Tiên cảm thấy bất an. Do đó, tuyên bố nối lại hoạt động sản xuất plutoni chỉ là bước đi tiếp theo nhằm thể hiện sự “giận dữ” của Bình Nhưỡng. Seoul khẳng định THAAD là sự lựa chọn bắt buộc để bảo vệ nước này trước những hành động được cho là khiêu khích từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hệ thống này không chỉ vấp phải sự phản đối của Triều Tiên mà còn là lý do khiến Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên quan ngại. Đây cũng là nguyên nhân của việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể ra tuyên bố chung sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Trung Quốc muốn tuyên bố phải có thêm nội dung phản đối Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc).

Bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng nhiệt và rõ ràng, những phản ứng cứng rắn từ cả hai phía như đang diễn ra không giúp cho việc giải quyết mâu thuẫn mà còn đẩy hai bên thêm xa cách. Nếu không có nỗ lực và thiện chí thật sự để cùng nhau giải quyết bất đồng thì chắc chắn tình trạng “chiến tranh” hiện nay giữa hai nước còn tiếp tục kéo dài. Điều đó sẽ đe dọa đến hòa bình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vốn đang tồn tại những căng thẳng khác trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Quang Huy