Chuyên gia Nga: Việt Nam là nền kinh tế có sức cạnh tranh cao
Kinh tế - Ngày đăng : 20:07, 20/08/2016
Trả lời phóng viên tại Liên bang Nga, bà Stanislavovna đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay khá ổn định.
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN) |
Bà nêu bật những thành tích kinh tế Việt Nam đạt được như đối phó thành công với các thách thức của khủng hoảng; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,6%; Mở rộng được các quan hệ kinh tế và hiện nay số đối tác của Việt Nam đã lên tới con số hơn 200 quốc gia.
Theo bà Stanislavovna, Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sang phát triển công nghiệp nặng, cũng như phát triển khoa học-công nghệ.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, bà Stanislavovna cho rằng Việt Nam nên chú trọng phát triển công nghệ mới và các ngành kinh tế mới, như ngành năng lượng nguyên tử.
Bà Stanislavovna nhận định kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự chuyển mình rất tốt, và đã vượt ra ngoài một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như trước kia. Công nghiệp nhẹ và một bộ phận của nền công nghiệp nặng tại Việt Nam đã đạt đến trình độ cần thiết. Cụ thể như gần đây Việt Nam đã đóng được tàu biển cho Nga, con tàu đó sẽ được vận hành tại thành phố Arkhalgensk của Liên bang Nga.
Về phát triển năng lượng nguyên tử, bà Stanislavovna cho rằng Việt Nam có Nga - quốc gia nắm giữ công nghệ hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, là đối tác. Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào sự hỗ trợ từ phía Nga, bao gồm đào tạo nhân sự.
Bà Stanislavovna bày tỏ tin tưởng rằng năng lượng nguyên tử sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Về đầu tư, bà Stanislavovna đánh giá Việt Nam hiện đang có sức hấp dẫn khá lớn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài. Sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở lực lượng lao động có tay nghề, mà còn ở chính sách hợp lý của nhà nước thông qua hàng loạt luật về đầu tư, bất động sản, kinh doanh.
Đánh giá về những tiềm năng mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/10 tới, bà Stanislavovna cho rằng hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Trước hết về kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt trội với đa số các nước thành viên khác trong EAEU. Điều đó cho phép Việt Nam tham gia vào hiệp định không phải như một thành viên thứ yếu, mà như một thành viên chủ chốt.
Thứ hai với trình độ phát triển của kinh tế hiện nay, Việt Nam có thể tham gia vào hiệp định không chỉ như một đối tác thương mại, mà còn như một nhà đầu tư, thậm chí như một thủ lĩnh công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với nhiều nước khác.
Tuy nhiên, bà Stanislavovna cho rằng Việt Nam cũng phải sẵn sàng cạnh tranh, và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung nỗ lực hết sức, mạnh dạn hơn nữa để bước vào thị trường EAEU với tư cách một nhà đầu tư./.