Lúng túng vì không rõ trách nhiệm

Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 22/08/2016

(HNM) - Thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không nguồn gốc vẫn lọt đến tay người tiêu dùng qua nhiều con đường khác nhau, trong đó có chợ truyền thống.


Trọng điểm kiểm soát ATTP

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi đó, nguồn thực phẩm đưa vào các chợ hiện chưa được kiểm soát triệt để về chất lượng.

Rất khó phân biệt chất lượng thực phẩm được bày bán tại các chợ truyền thống.Ảnh: Anh Tuấn



Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về tình trạng nói trên. Như chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai), hoạt động từ 1h sáng đến 12h trưa hằng ngày, có khoảng 120 hộ kinh doanh thịt lợn, thịt gà với khoảng 6 - 9 tấn/ngày. Mặc dù từ năm 2015, Ban Quản lý (BQL) chợ đã yêu cầu các hộ ký cam kết kinh doanh sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc nhưng trên thực tế, vẫn có những trường hợp vi phạm quy định về ATTP bị phát hiện, riêng trong năm 2015 đã có ba hộ vi phạm bị buộc phải đình chỉ hợp đồng kinh doanh tại chợ. Đầu năm 2016, qua kiểm tra, chính quyền quận Hoàng Mai tiếp tục phát hiện ba hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại đây không đáp ứng yêu cầu, buộc phải tạm dừng kinh doanh.

Chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), có 150 quầy hàng kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành quận Nam Từ Liêm đã phát hiện hai hộ kinh doanh tại đây có gần 500kg tim, xương lợn, thịt trâu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đoàn đã buộc dừng kinh doanh đối với hai hộ này.

Ngày 16-8, làm việc với các sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, vấn đề quản lý ATTP tại chợ đầu mối, chợ dân sinh là vô cùng quan trọng bởi rất nhiều loại hàng hóa, thực phẩm đều được tập trung tại chợ đầu mối và từ đó, chúng được đưa đến tay người tiêu dùng. “Do đó, việc cần làm là phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại chợ. Coi đây là công tác trọng điểm trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Hiện nay, Hà Nội có 425 chợ - được phân bố tại 30 quận, huyện và thị xã; trong đó, chợ loại 1 do thành phố quản lý, chợ loại 2 do UBND quận, huyện quản lý và chợ loại 3 chịu sự quản lý của UBND xã, phường. Đó là chưa kể hệ thống chợ tạm, chợ "cóc".

Khó thu về một mối?

Trong khi tại TP Hồ Chí Minh, quyền quản lý các ngành hàng trong chợ được giao toàn bộ cho BQL các chợ thì tại Hà Nội, công tác quản lý có sự khác. Việc quản lý hàng hóa tại chợ vẫn có sự tham gia của cán bộ Công Thương, NN&PTNT và Y tế. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do văn bản pháp quy liên quan đến phân quyền quản lý hàng hóa, bảo đảm VSATTP còn thiếu sự cụ thể, nên dễ dẫn đến sự chồng chéo, hiệu quả quản lý bị hạn chế.

Chẳng hạn, tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP, các điều khoản chưa cho thấy rõ là Ngành Công Thương hay Nông nghiệp quản lý các cơ sở kinh doanh nông, thủy sản trong các chợ dân sinh; Ngành Công Thương hay Y tế quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống trong chợ. Hơn nữa, kể cả khi đã làm rõ là Ngành Công Thương hoặc Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở kinh doanh trong chợ thì tại các chợ loại 3 (chiếm đa số trong các chợ dân sinh) do UBND xã, phường chịu trách nhiệm quản lý, đơn vị nào sẽ tham mưu việc lập đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm, vì ở tuyến xã, phường hiện chưa có cán bộ công thương hay nông nghiệp phụ trách về lĩnh vực ATTP?...

Trước những vướng mắc nêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa để các địa phương có thể quản lý tốt vấn đề ATTP tại các chợ. Tuy nhiên, các địa phương nên để BQL chợ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các ngành hàng trong đó. "BQL nằm ngay tại chợ, nắm rõ địa bàn, biết rõ các ngành hàng trong chợ như đồ vật trong nhà mình vậy. Bởi thế, khi được trao quyền, họ sẽ dễ phát hiện và xử lý vi phạm, hiệu quả quản lý sẽ tăng lên”.

Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, tình hình VSATTP đang rất "nóng", lực lượng chuyên trách cũng như thanh tra ATTP quá mỏng nên không thể rải hết các chợ trên địa bàn để kiểm tra, quản lý một cách hiệu quả. Hơn nữa, lực lượng này cũng kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể "đứng canh" tại từng chợ... Bởi vậy, sự tham gia sâu hơn của các BQL chợ vào công tác bảo đảm ATTP là điều cần thiết.

Tuy vậy, nhiều ý kiến của đại diện các sở, ngành lại tỏ ý lo ngại về việc giao quyền quản lý toàn bộ các ngành hàng trong chợ cho BQL. Lý do là bởi hiện nay, các BQL chợ cũng có hạn chế trong việc xử lý vi phạm. Chẳng hạn, khi chắc chắn phát hiện thịt “bẩn”, BQL chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi giao lại cho chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm và xử phạt hành chính đối với tiểu thương, chứ không thể tự mình làm việc đó. Hơn nữa, tại những chợ tạm, chợ "cóc" không có BQL, không được xếp hạng, phân loại thì ai đứng ra làm nhiệm vụ quản lý?

Những gì đang diễn ra cho thấy vấn đề bảo đảm ATTP tại các chợ dân sinh không hề đơn giản. Đó là bài toán cần giải sớm để loại bỏ sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý ATTP tại các chợ hoạt động theo mô hình truyền thống 

Thu Trang