Do không hiểu luật, nhiều bệnh viện xin xuống hạng
Xã hội - Ngày đăng : 16:37, 22/08/2016
Thậm chí, trên một số phương tiện thông tin đại chúng còn phản ánh, một số BV có nguy cơ đóng cửa, xin xuống hạng (trong đó có BV tư nhân và BV công lập hạng 2) để được áp dụng khám chữa bệnh BHYT thông tuyến.
Lý giải trước vấn đề này, Bộ Y tế khẳng định, thực hiện quy định của Luật BHYT, ngày 16/11/2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Thông tư đã quy định cơ bản các nội dung về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh chữa bệnh của người tham gia BHYT. Cụ thể là xác định tuyến của các cơ sở KCB, gồm tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật khám bệnh, chữa bệnh với việc chia hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước thành 4 tuyến là tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Với các BV tư nhân được xác định tuyến tương đương với các BV công lập căn cứ vào hạng của các BV tư nhân đó. Hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở KCB theo từng tuyến, cũng như xác định trách nhiệm của Sở Y tế và BHXH tỉnh trong việc xác định đối tượng, số lượng người tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, quy định về chuyển tuyến chuyên môn trong KCB BHYT. Theo đó người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời bổ sung một số trường hợp được chuyển tuyến KCB BHYT chưa được quy định thông tư về chuyển tuyến của Bộ Y tế. Thông tư cũng quy định danh mục các bệnh, nhóm bệnh được chuyển tuyến theo năm tài chính.
Như vậy, Thông tư 40 kể trên đã triển khai đúng tinh thần của Luật BHYT, đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong vấn đề đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Hơn nữa, Thông tư cũng giúp giảm tải cho các cơ sở tuyến trên, tạo điều kiện phát triển hệ thống y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Bên trong Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lao Động |
Theo Bộ Y tế, việc một số BV (như: BV Y học cổ truyền tỉnh Đồng Nai và BV Da liễu Đồng Nai) xin xuống hạng vì cho rằng vướng mắc bởi quy định của Thông tư 40 cho thấy các BV này chưa hiểu đúng về quy định tuyến và hạng của cơ sở y tế. Bởi vì quy định về phân tuyến khác với tuyến chuyên môn kỹ thuật và không phụ thuộc vào hạng của các BV này. Như vậy, các BV không thể “thích” lên hạng hay xuống hạng nào cũng được, mà việc xếp hạng do các cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ vào quy mô hoạt động, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất, năng lực và điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của cơ sở đó. Không những thế việc các bệnh viện xin xuống hạng sẽ ảnh hưởng tới uy tín của BV, làm giảm sức hút đối với người bệnh tới khám, chữa bệnh.
Tuy vậy, tiếp thu ý kiến phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, ý kiến của một số đoàn đại biểu Quốc hội, của người tham gia BHYT, do đặc thù của một số lĩnh vực khám chữa bệnh như y học cổ truyền, chuyên khoa da liễu, để duy trì hiệu quả hoạt động và phát triển cho các cơ sở y tế này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tập huấn chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT; đồng thời xây dựng cơ chế chuyển tuyến phù hợp với một số lĩnh vực chuyên khoa.