Mỗi năm cả nước xảy ra 1.300 vụ giết người. Đặc biệt, đã xảy ra một số vụ án mạng mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng như sát hại một lúc nhiều người, thậm chí sát hại cả một gia đình với động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn ác...
Mỗi năm cả nước xảy ra 1.300 vụ giết người
Nhiều đối tượng gây án đã mất hết nhân tính, bất chấp đạo lí làm người, coi thường tính mạng người khác. Điều đáng nói, phần lớn những đối tượng gây án là người lao động bình thường, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc nóng giận, họ tự đánh mất cuộc đời mình, cướp đi mạng sống người khác, gây khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra tội phạm.
|
Cơ quan điều tra khám nghiệm vụ dùng súng bắn người để trả thù mâu thuẫn. |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm trên cả nước xảy ra hơn 1.300 vụ giết người. Với con số trên, thì ít nhất có khoảng 1.300 gia đình lâm vào cảnh mất mát, thậm chí tan nát, con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, và cũng chừng ấy gia đình có người thân phải vào vòng lao lí để trả giá cho tội lỗi của mình. Điều đáng nói là, trong số hơn 1.300 vụ giết người đó, chỉ có hơn 80 vụ (chiếm 6,4%) là vụ án giết người, cướp tài sản. Con số còn lại chiếm 93,6% là các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội. |
|
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự thì trong các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội thì giết người do mâu thuẫn thù tức chiếm tới 78,3% (khoảng hơn 1.000 vụ). Đó là những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài hoặc bột phát nhất thời, phát sinh trong sinh hoạt, trong nội bộ nhân dân, trong gia đình hoặc giữa các băng nhóm tội phạm, lưu manh côn đồ.
Trong số này, chủ yếu là mâu thuẫn do bột phát chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 40,2%. Nhiều vụ án xảy ra vì những vì những va chạm, mâu thuẫn hết sức đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như va chạm giao thông, xích mích trong khi uống rượu bia, xích mích qua lời nói, cử chỉ... dẫn đến hành động nhất thời.
Bên cạnh đó, tội giết người do côn đồ càn quấy - một loại tội phạm chiếm tỷ lệ không cao nhưng đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Đối tượng gây ra những vụ án này thường là các thanh niên từ 16 đến 25 tuổi, ít học hoặc bỏ học, lười lao động, thiếu hiểu biết pháp luật, thích thể hiện cá nhân, sử dụng bạo lực.
Các đối tượng này khi đi ngoài đường hoặc sinh hoạt cộng đồng thường đem theo hung khí nguy hiểm, sẵn sàng thanh toán nhau. Loại tội phạm này có xu hướng trở thành các băng, ổ nhóm tội phạm chuyên nghiệp nếu không được ngăn chặn, giáo dục kịp thời...
|
Một đối tượng sát hại con đẻ khai nhận tại cơ quan công an. |
Phòng ngừa như thế nào?
Để phòng ngừa các vụ án đau lòng xảy ra, Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này. Cụ thể, Cục Cảnh sát hình sự đã có Kế hoạch số 283/C45 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
Bước đầu triển khai đã đạt được kết quả quan trọng: tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội giảm so với tỷ lệ phạm pháp chung trong toàn quốc; công tác điều tra, khám phá án luôn được chú trọng góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã có nhiều biện pháp, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương, phòng chống hiệu quả loại tội phạm này.
Điển hình như ở Hà Nội, thời gian vừa qua, số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội liên tục giảm. Trong 5 năm 2010-2015, toàn thành phố xảy ra 509 vụ án giết người, trong đó năm 2013, 2014 giảm gần 15% mỗi năm; năm 2015 giảm 25,7% so với 2014... Chia sẻ về kinh nghiệm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “Đối với Công an TP Hà Nội, chúng tôi xác định tội phạm xảy ra do nguyên nhân nào thì phải có đối sách, biện pháp giải quyết nguyên nhân đó. Cụ thể, chúng tôi quy định 23h tất cả các hàng quán phải đóng cửa để hạn chế việc rượu chè, phát sinh mâu thuẫn. Chính vì vậy, nếu xảy ra đâm chém nhau sẽ kiểm điểm trách nhiệm của Cảnh sát hình sự, Trưởng Công an phường; phòng ngừa đối tượng ngáo đá gây án, chúng tôi giao Phòng CSHS phối hợp với Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý thống kê số lượng, đề ra các giải pháp như đưa vào trung tâm, cơ sở giáo dục chữa bệnh bắt buộc; xử lí nghiêm nếu phạm tội".
Giải quyết tình trạng các đối tượng mang vũ khí tham gia giao thông: trả thù lẫn nhau, chống người thi hành công vụ đã lập các tổ công tác 141, kiểm tra tại các khung giờ cao điểm. Qua đó, đã thu giữ hơn 100 khẩu súng, 796 dao kiếm, 83 công cụ hỗ trợ, ngăn chặn được nhiều vụ thanh toán nhau, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, đã xử lí nghiêm các đối tượng phạm tội, nhất các đường dây, tổ chức tội phạm giết người, cướp tài sản...
|
Tình trạng các đối tượng mang vũ khí, trả thù lẫn nhau, chống người thi hành công vụ không đã còn xa lạ. |
Bên cạnh đó, để phòng ngừa hiệu quả các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội, trước hết cần bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lí nhà nước về ANTT; lực lượng Công an cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình, đồng thời huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng tham gia giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở, không để mâu thuẫn bùng phát, kéo dài.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung gắn với quyền lợi của người dân trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như biện pháp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong sinh hoạt hằng ngày; giáo dục tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm; chủ động phòng tránh những mâu thuẫn phát sinh...
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát. Lên danh sách các băng, ổ nhóm tội phạm đang có biểu hiện hoạt động đòi nợ thuê, bảo kê, tổ chức đánh bạc... và số đối tượng thuộc diện côn đồ, hung hãn, càn quấy; tăng cường công tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT, kịp thời phát hiện, xử lí các hành vi côn đồ, ngăn chặn các vụ việc xô xát do mâu thuẫn bột phát...
Theo nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân thì có tới 46% số người phạm tội xuất thân từ những gia đình phức tạp (có bố mẹ hoặc anh, chị em là người có tiền án, tiền sự, làm nghề phi pháp); 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ li hôn, phải sống với ông bà, anh, chị, người thân từ nhỏ; có 14% đối tượng sống trong gia đình có ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ bố, mẹ, vợ, chồng) nhưng trình độ văn hoá của các thành viên thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên trong gia đình; 7% xuất phát từ gia đình giàu có, được nuông chiều thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn; chỉ có 4% tội phạm xuất phát từ gia đình bình thường. |