Nhà hát lớn Hà Nội tự nguyện “đỏ đèn”, mở cửa cho các đơn vị nghệ thuật

Văn hóa - Ngày đăng : 12:21, 22/08/2016

(HNMO) – Vốn được xem là “thánh đường nghệ thuật”, nhưng từ lâu, Nhà hát lớn Hà Nội vẫn là “địa chỉ khó với” đối với nhiều đơn vị nghệ thuật. Tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) quyết định biến Nhà hát lớn thành Trung tâm nghệ thuật chất lượng và thường xuyên của thủ đô.


Nhà hát lớn Hà Nội sẽ thường xuyên giới thiệu các chương trình nghệ thuật của các nhà hát


* 17 chương trình nghệ thuật lớn sẽ được giới thiệu


Sáng nay (22/8), Bộ VH,TT&DL họp báo giới thiệu các chương trình nghệ thuật, sân khấu chất lượng sẽ được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội từ nay đến hết năm 2016. Theo đó, Bộ có ý định biến Nhà hát lớn thành một trung tâm nghệ thuật lớn và chất lượng của Hà Nội.

Theo kế hoạch của Bộ, từ nay đến cuối năm sẽ có 17 chương trình nghệ thuật, sân khấu lần lượt được trình diễn, giới thiệu tới công chúng. Kế hoạch biểu diễn chia ra thành hiều giai đoạn: 

Đợt biểu diễn chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh sẽ có chương trình: “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt 1” của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào 20h ngày 30/8; vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của Nhà hát kịch Việt Nam vào 20h ngày 31/8; chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” của Nhà hát Chèo Việt Nam vào ngày 1/9.

Những vở tuồng cổ sẽ được giới thiệu tại Nhà hát lớn Hà Nội


Các chương trình, tác phẩm công diễn trong tháng 9 gồm: Kịch nói “Công lý không gục ngã” của tác giả Lê Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ) vào ngày 10/9; chương trình múa rối “Nhịp điệu quê hương” của Nhà hát múa rối Việt Nam vào ngày 21/9.

Trong tháng 10, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ giới thiệu vở rối “Vũ điệu hoa Quỳnh” vào 20h ngày 28/10; chương trình “Hòa nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực” vào ngày 30/10; vở cải lương “Vua Thánh Triều Lê” của Nhà hát Cải lương Việt Nam vào ngày 31/10.

Tháng 11, những sản phẩm sân khấu hấp dẫn, kinh điển sẽ lần lượt được giới thiệu tại “thánh đường nghệ thuật” gồm: vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” vào ngày 7/11; chương trình “Dạ khúc mùa thu” của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam vào 24/11; vở chèo “Xúy Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam vào ngày 27/11; chương trình “Hương sắc Việt Nam” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam” vào ngày 30/11.

Những chương trình nghệ thuật "xếp hàng" biểu diễn trong tháng 12 gồm có: vở ba lê cổ điển “Kép hạt dẻ” của tác giả Tchaikovsky vào ngày 9/12; vở kịch nói “Hamlet” của Nhà hát kịch Việt Nam vào ngày 14/12; chương trình “Nếp nhăn và nụ cười” của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam vào ngày 15/12; chương trình Hòa nhạc đặc biệt 2 của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào ngày 16/12; vở kịch nói “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ vào ngày 25/12.

Vở kịch "Biệt đội báo đen" của Nhà hát kịch Việt Nam


Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, không chỉ có 17 chương trình nghệ thuật, sân khấu của các nhà hát xếp lịch, “đặt gạch” từ nay đến hết năm mà sang năm 2017, Bộ có kế hoạch để các đơn vị có được lịch biểu diễn thường xuyên hơn. Dự kiến, sẽ có 8 buổi diễn thường xuyên trong 1 tháng vào các ngày cuối tuần. Ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết thêm, hiện có 130 đơn vị nghệ thuật công lập, chưa kể số lượng ngoài công lập rất nhiều, nên việc có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để giới thiệu tới công chúng 1-2 tác phẩm/tuần là nằm trong khả năng.

“Thánh đường nghệ thuật” trở lại sẽ dành cho ai?


Trong buổi giới thiệu hạng mục các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu sẽ trình diễn tại Nhà hát lớn thời gian tới, thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên khẳng định, việc làm này của Bộ cũng như sự hợp tác chặt chẽ của Nhà hát lớn Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật sẽ biến Nhà hát lớn thành một địa chỉ văn hóa thật sự có chất lượng, đưa những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao tới với công chúng.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ lên những chương trình để biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát lớn Hà Nội


Tới đây, Bộ VH,TT&DL sẽ làm việc với Tổng Cục Du lịch, các công ty lữ hành để đưa các chương trình nghệ thuật của Nhà hát lớn vào tour, tuyến giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.

Đồng tình với chủ trương “nâng đỡ” các chương trình nghệ thuật, sân khấu của các nhà hát Việt Nam trong thời buổi cạnh tranh thị trường khó khăn, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, đây là động thái rất tích cực và hiệu quả của cơ quan quản lý văn hóa.

“Động thái này sẽ phần nào giúp các nhà hát tháo gỡ khó khăn, kinh phí và địa điểm biểu diễn. Để giới thiệu được những tác phẩm sân khấu, nghệ thuật hay tới công chúng, trước hết cần có những người tâm huyết nhưng cũng cần cả một Hội đồng thẩm định chất lượng. Hội đồng ấy làm việc ra sao, theo tiêu chí đánh giá nào... cũng cần phải công khai, minh bạch”, tiến sĩ Minh Thái nêu ý kiến.

Trước nhiều băn khoăn của báo giới về việc thành lập Hội đồng thẩm định nghệ thuật, mức tính doanh thu, chia lợi nhuận giữa các đơn vị nhà hát và “cửa” vào cho những đơn vị tư nhân, xã hội hóa muốn đưa tác phẩm vào Nhà hát lớn, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, mọi doanh thu sẽ được đưa về Bộ VH,TT&DL quản lý, sau đó sẽ phân bổ ra các nhà hát và diễn viên sau khi tính toán chi phí hợp lý. Theo ông Chương, Hội đồng Thẩm định sẽ do Bộ trưởng làm chủ tịch, những đơn vị tư nhân hoàn toàn có thể được giới thiệu biểu diễn ở Nhà hát lớn khi đăng ký với Bộ và được đánh giá chất lượng sản phẩm.

Hoàng Lân