Giao thông thông minh: Xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại
Giao thông - Ngày đăng : 06:17, 23/08/2016
Hệ thống đèn tín hiệu giao thông được quản lý bằng kỹ thuật hiện đại, điều khiển theo thời điểm. Ảnh: Khánh Huy |
Không chỉ hạn chế về công nghệ
Thời gian gần đây, TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư kinh phí, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành giao thông, từng bước hạn chế ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý đã thừa nhận một thực tế là: Công nghệ đang áp dụng bộc lộ không ít hạn chế, trong khi hiện trạng giao thông hỗn hợp của Hà Nội quá phức tạp và ý thức người tham gia giao thông chưa cao nên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Một thực tế khác, nhiều biển báo vẫn như thách đố người tham gia giao thông và câu chuyện này, các cơ quan truyền thông đã nhiều lần lên tiếng.
Với sự tài trợ của Chính phủ Pháp, năm 2000, Hà Nội đã thiết lập Trung tâm Điều khiển giao thông, trang bị hệ thống đèn tín hiệu SAGEM. Đây là ứng dụng sơ khai của công nghệ GTTM. Với tốc độ phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đến nay trung tâm này đã lạc hậu. Tháng 10-2014, Công an TP Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã khánh thành Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Với hệ thống 450 camera giám sát, có khả năng quan sát và đo lường giao thông, trung tâm có thể tự động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu theo số lượng xe để giảm ùn tắc. Trong 450 camera, có 50 camera giám sát, 300 camera đếm lưu lượng phương tiện và 100 camera phát hiện vi phạm giao thông. Các camera được lắp tại 152 nút giao thông trọng điểm. Hệ thống máy chủ và máy tính được nhập từ Mỹ. Với hệ thống này, các camera có thể phát hiện vi phạm giao thông và chụp biển số xe với hình ảnh chất lượng cao… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Singapore, trung tâm vẫn gặp những hạn chế về công nghệ điều khiển tự động đèn tín hiệu theo lưu lượng giao thông và thiết lập linh hoạt các tuyến "làn sóng xanh" để giảm thiểu ách tắc và thời gian dừng chờ tại các nút giao. Một trong những nguyên nhân là áp dụng công nghệ trong điều kiện giao thông hỗn hợp có thành phần xe máy chiếm tỷ trọng rất lớn của đô thị.
Theo dõi, kiểm soát giao thông qua màn hình trung tâm tín hiệu đèn giao thông. |
Tiện ích cho cư dân thành phố
Hệ thống GTTM đã phổ biến ở nhiều nước phát triển. Để từng bước nghiên cứu, thí điểm ứng dụng phù hợp với điều kiện Hà Nội, chính quyền thành phố đã mời các chuyên gia Singapore hỗ trợ. Một báo cáo đánh giá hiện trạng và những giải pháp chi tiết, khả thi đã được các chuyên gia chuyển đến lãnh đạo thành phố.
Các chuyên gia Singapore và Tập đoàn Microsoft cho biết, hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ được quản lý và điều khiển theo thời gian thực trong ngày, có thể cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông; chẳng hạn các tuyến đường đang ùn tắc để cư dân thành phố có thể lựa chọn lộ trình phù hợp. Hoặc thông qua hệ thống camera, lực lượng chức năng sẽ giám sát, xử phạt và cưỡng chế phương tiện vi phạm, kiểm soát đỗ xe trái phép, chạy quá tốc độ... Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp những tiện ích như: Tìm chỗ đỗ xe để chủ phương tiện di chuyển tới vị trí cần đến, thay vì phải chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ; hoặc cung cấp thông tin về thời gian, khoảng cách, tình trạng giao thông công cộng cho hành khách đi xe buýt...
Để giải quyết vấn đề giao thông hỗn hợp của Thủ đô, các chuyên gia thuộc Công ty ST Electronics (Singapore) đề xuất thành lập Trung tâm Quản lý điều hành chung thuộc UBND thành phố và 2 trung tâm nhỏ trực thuộc. Trung tâm thứ nhất là Trung tâm Giám sát, xử phạt và an ninh giao thông đô thị, do Cảnh sát giao thông Hà Nội quản lý, thực hiện các chức năng: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông, cấp cứu người bị nạn, giải quyết tai nạn giao thông; đấu tranh, phòng chống tội phạm... Trung tâm thứ hai là Quản lý và Điều khiển giao thông, do Sở GT-VT quản lý, có nhiệm vụ: Giám sát và cung cấp thông tin tình trạng giao thông; tổ chức giao thông; điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; quản lý giao thông công cộng và taxi; quản lý và giám sát đỗ xe; giám sát xe tải nặng; ứng phó với các tình huống khẩn cấp; thanh toán vé điện tử giao thông công cộng và đỗ xe; quản lý hạ tầng và lưu lượng giao thông; tiếp nhận thông tin từ người tham gia giao thông; lưu trữ dữ liệu và nghiên cứu phát triển mạng lưới. Hai trung tâm này thu thập thông tin từ cùng một hệ thống thiết bị hiện trường và được phân loại trước khi gửi đến cơ quan xử lý trực tiếp.
Ông Andrew Chow, Chủ tịch Hội GTTM Singapore nhấn mạnh, đô thị hóa càng cao, dân số và phương tiện càng gia tăng, thì việc ứng dụng GTTM là xu hướng tất yếu. Giải pháp ứng dụng GTTM có thể đáp ứng các bài toán về lợi ích kinh tế, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường và mang đến sự an toàn, tiện nghi cho người tham gia giao thông.
Năm 2008, Hà Nội có hơn 900 nút giao thông nhưng chỉ 182 nút có đèn, trong đó 97 nút được nối mạng với hệ thống điều khiển giao thông. Năm 2010, Hà Nội có 219 nút đèn tín hiệu giao thông, tuy nhiên không thống nhất về hình dạng và lắp đặt, bởi khi đó chưa có quy định pháp luật về đèn tín hiệu giao thông. Đến tháng 6-2016, Sở GT-VT Hà Nội quản lý và bảo trì 315 nút đèn tín hiệu và đang nghiên cứu bổ sung thêm. Mặc dù ùn tắc đã giảm, song sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng không theo kịp sự gia tăng về dân số và phương tiện giao thông cá nhân nên ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp. |