Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm và làm việc tại huyện Thanh Trì
Chính trị - Ngày đăng : 17:53, 23/08/2016
Buổi sáng, trước khi vào làm việc với huyện Thanh Trì, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến thắp hương tại đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu tại xã Thanh Liệt; thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ xã Tả Thanh Oai; thăm mô hình sản xuất nấm tại xã Vĩnh Quỳnh; kiểm tra công tác vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Om thuộc địa bàn xã Ngũ Hiệp.
Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương, Thanh Trì là huyện ven đô phía nam thành phố Hà Nội, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh và theo quy hoạch chung của thành phố, Thanh Trì nằm trong khu nội đô mở rộng. Huyện có diện tích tự nhiên gần 6.300ha (trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 50%); dân số hơn 23 vạn người; huyện có 15 xã và 1 thị trấn. Đảng bộ huyện có 50 tổ chức cơ sở đảng (30 đảng bộ, 20 chi bộ), với hơn 9.170 đảng viên…
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Tả Thanh Oai |
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, 7 tháng đầu năm 2016, kinh tế của huyện Thanh Trì tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dịch đúng hướng với tổng giá trị sản xuất tăng 8,3%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt kết quả cao...
Huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị. Đến hết năm 2015, có 15/15 xã của huyện đã được thành phố công nhân đạt chuẩn nông thôn mới; hiện đang tập trung hoàn thiện hồ sơ trình thành phố và trung ương rà soát, thẩm định đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ đạo các xã duy trì tốt các tiêu chí đã đạt, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt gắn với thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội rất được huyện quan tâm, nhất là công tác giáo dục đào tạo. Đến nay, toàn huyện có 51/65 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường đạt mức độ II); triển khai kế hoạch dạy bơi tại 15 trường dạy bơi trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại hạn chế, như: Công tác thông tin, tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả cao còn hạn chế, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu, sản phẩm mũi nhọn về sản xuất nông nghiệp; vi phạm trật tự xây dựng chưa được xử lý dứt điểm ở một số xã: Tân Triều, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án, giao đất tái định cư cho các hộ dân còn chậm;…
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương đã có một số kiến nghị, đề xuất với thành phố. Trước hết, huyện Thanh Trì nằm trong khu vực phát triển mở rộng đô thị trung tâm. Tuy nhiên, kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, bởi vậy đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù để lại cho huyện các nguồn tiền sử dụng đất và các nguồn thu từ đất khác để huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn;
Đề nghị thành phố có chủ trương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho huyện trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để phấn đấu đến năm 2020 huyện phát triển thành quận, cụ thể: Thành phố quan tâm tiếp tục bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Thanh Trì với huyện Thanh Oai (dự án đường liên xã Tả Thanh Oai-Đại Áng-Liên Ninh đã được thành phố phê duyệt quyết định đầu tư tại Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 14-5-2012) nhằm kết nối giao thông giữa 2 huyện, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế; Đề nghị thành phố quan tâm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì trong năm 2017; Đề nghị thành phố sớm quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường Ngũ Hiệp (đường nối từ ngã ba Ngọc Hồi tới xã Đông Mỹ (quê hương nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười). Đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo hình thức BT trên địa bàn huyện (Dự án đường Phan Trọng Tuệ-Cầu Bươu; đường nút giao Văn Điển tới đường Pháp Vân – Cầu Giẽ; đường vành đai 3,5; đường nối từ đường Ngũ Hiệp tới hết địa phận xã Liên Ninh).
Trên thực tế, diện tích đất nông nghiệp xen kẹt trong các dự án ở huyện còn nhiều. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi không đáp ứng, do đó sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Bởi vậy, đề nghị thành phố có chủ trương cho phép chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp xen kẹt nhằm phát triển dịch vụ kết hợp với du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống lấn chiếm, sử dụng sai mục đích;
Đề nghị thành phố thống nhất để một công ty quản lý, kinh doanh, khai thác nước sạch trên địa bàn huyện. Bởi, hiện nay đang có 2 công ty đang quản lý kinh doanh nước sạch trên địa bàn huyện (Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội; Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco); Đề nghị giao cho Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã đạt được trong thời gian qua… Bí thư Thành ủy lưu ý, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo đảm vệ sinh môi trường; giữ gìn nếp sống văn hóa, nét đẹp văn hóa tại các làng quê.
Bí thư Thành ủy phát biểu kết luận buổi làm việc với huyện Thanh Trì |
Bí thư Thành ủy cho rằng, trên thực tế huyện Thanh Trì vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi về phát triển kinh tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Hạn chế này có thể nói là hạn chế chung của thành phố khi mà quy hoạch chưa có tầm nhìn dài hạn, bao quát rộng. Bên cạnh đó, một hạn chế nữa là có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; sản xuất nông nghiệp tuy đã có những bước chuyển biến tích cực, song hiệu quả chưa cao, sử dụng đất còn lãng phí; rồi tiếp đến là vấn đề ô nhiễm môi trường, tất nhiên nguyên nhân chủ yếu là do vị trí địa lý của huyện.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thời gian tới, huyện cần nỗ lực hơn nữa, tận dụng thời cơ để phát triển. Từ huyện đến xã, các ban, ngành, đoàn thể cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đề ra các giải pháp đột phá mạnh mẽ để thực hiện cho được các chương trình, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Đồng thời, cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng; tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị 08 về Năm trật tự văn minh đô thị;…
Bí thư Thành ủy đánh giá cao về thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới cần rà soát các chỉ tiêu nhằm giữ vững và nâng cao hơn các chỉ tiêu đã đạt được, làm sao để đến năm 2020, các tiêu chí này phải tương đương với các tiêu chí đô thị, trên cơ sở đó đưa huyện trở thành một quận của Thủ đô.
Đối với một số kiến nghị của huyện như tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án đường giao thông đã được phê duyệt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao cho Ban cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương xem xét, bố trí vốn để triển khai thực hiện. Trong đó, đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình BT, yêu cầu rà soát, đôn đốc chủ đầu tư triển khai thực hiện, nếu tiếp tục chây ỳ không thực hiện thì thay thế chủ đầu tư mới theo quy định.
* Buổi chiều, nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến thăm cơ sở cách mạng xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa); thăm và tặng quà ông Nguyễn Đăng Doanh (92 tuổi) – cán bộ lão thành cách mạng, ở thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng; thăm và tặng quà ông Nguyễn Văn Sỡi- người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy thời kỳ chống Pháp, ở thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa.
Cơ sở Cách mạng xã Trầm Lộng là an toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ trong thời kỳ đấu tranh bí mật (1939-1945). Nhiều tấm gương trung kiên trong phong trào cách mạng đã được đào tạo, rèn luyện từ đây, nhiều gia đình đã nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng. Nơi đây, các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Trần Thị Minh Châu, Trần Quang Tạo, Đỗ Mười, Bạch Thành Phong… đã hoạt động bí mật để chỉ đạo phong trào cách mạng. Trầm Lộng còn là nơi diễn ra một số hội nghị của Trung ương, của Xứ ủy
Bí thư Thành ủy tặng quà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trầm Lộng |
Trong giai đoạn 1945-1954, Trầm Lộng tiếp tục được chọn là căn cứ kháng chiến của tỉnh và huyện. Nhiều cơ quan, cán bộ chủ chốt các cấp đến Trầm Lộng ở và làm việc. Nhân dân Trầm Lộng đã góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 4 Kỷ niệm chương, 18 Bằng có công với nước, 1 Huân chương kháng chiến hạng Ba…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trầm Lộng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả cho tiền tuyến lớn. Trải qua 2 cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc XHCN, toàn xã có 116 liệt sỹ, 35 thương, bệnh binh. Năm 1998, Trầm Lộng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trầm Lộng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn địa phương tiếp tục phát huy bề dày truyền thống cách mạng, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức; chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống người dân, đồng thời xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng sạch, đẹp.
Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đến thăm và tặng quà ông Nguyễn Đăng Doanh – cán bộ lão thành cách mạng (thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng) và ông Phạm Văn Sỡi - người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thời kỳ chống Pháp (thôn Tu Lễ, xã Kim Đường). Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với các cán bộ lão thành cách mạng vì những hy sinh, cống hiến cho đất nước trong chiến tranh cũng như tiếp tục đóng góp cho địa phương trong quá trình xây dựng, đổi mới. Chia sẻ thông tin về việc thành phố cũng như huyện Ứng Hòa hiện đang đẩy mạnh phát triển nông thôn mới, Bí thư Thành ủy mong muốn các đồng chí lão thành cách mạng bằng tấm gương sáng của mình sẽ giáo dục các thế hệ con cháu đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương và Thành phố.
Bí thư Thành ủy đến thăm và tặng quà ông Nguyễn Đăng Doanh |
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng ghi nhận và đề nghị chính quyền 2 xã Trầm Lộng, Kim Đường tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn các chính sách đối với người có công trên địa bàn, chăm lo đến đời sống của các cán bộ lão thành cách mạng còn khó khăn, nhất là việc hỗ trợ cải tạo, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng.
Bí thư Thành ủy thăm và tặng quà ông Phạm Văn Sỡi |
Các đồng chí lão thành cách mạng được Bí thư Thành ủy đến thăm bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, đồng thời chia sẻ, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, song cùng với sự quan tâm của Thành phố, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trồng cây lưu niệm tại chùa Chòng |