“Nhân tai” được báo trước

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 24/08/2016

(HNM) - Nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phức tạp, hệ thống đê điều đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như an toàn phòng chống lũ trên địa bàn Thủ đô.


Tuy nhiên, hệ thống đê của Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí tình trạng vi phạm Luật Đê điều diễn ra ở nhiều nơi, kéo dài qua nhiều năm đe dọa an toàn thân đê. Nổi cộm là tình hình khai thác cát trái phép, việc mở rộng bãi bồi gây cản trở trực tiếp dòng chảy…

Đáng lo ngại hơn cả là việc các công trình nhà cửa; điểm tập kết vật liệu xây dựng thi nhau lấn chiếm mặt đê, thân đê; xe trọng tải lớn cày xới mặt đê diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Trong khi đó, công tác giải tỏa, tu bổ đê, xử lý các hành vi vi phạm luôn trong cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”. Số vụ vi phạm ngày một dày thêm.

Nguyên nhân của tình trạng trên chính là việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở. Dư luận đã nhiều lần “điểm mặt, chỉ tên” những tụ điểm vi phạm hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ ở Tây Hồ, Đan Phượng, Long Biên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Hà Đông… nhưng không hiểu vì lý do gì tình hình chỉ tạm lắng rồi sau đó đâu lại vào đấy. Thậm chí, lý giải cho tình trạng chưa di dời triệt để các bãi chứa vật liệu xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ, có vị cán bộ cấp phường đã thản nhiên nêu lý do: Do khối lượng cát lớn, tiêu thụ chậm, chưa tìm được bãi chứa thay thế nên doanh nghiệp chưa giải tỏa triệt để theo yêu cầu của chính quyền… Hệ quả là bãi tập kết này chẳng bao giờ hết vật liệu, đương nhiên việc di dời cũng chỉ là câu chuyện “hãy đợi đấy”. Đặc biệt, tình trạng bảo kê cho “cát tặc” hoành hành ở những khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh diễn biến rất phức tạp. Ấy vậy mà chưa thấy có vị lãnh đạo nào ở cấp xã, phường hoặc quận, huyện, thị nào bị kỷ luật liên quan đến việc buông lỏng quản lý đê điều trên địa bàn. Rõ ràng, tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, nhờn luật trong lĩnh vực này đang diễn ra ở nhiều nơi.

Ngoài việc buông lỏng quản lý, tình trạng chủ quan trong công tác tu bổ, xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều còn đến từ sự chủ quan. Bởi, sau khi hệ thống thủy điện ba cấp (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) trên sông Đà hoàn chỉnh, khoảng 20 năm nay, tình trạng lũ cao bất thường đã được kiểm soát tối đa, khiến việc một bộ phận cơ quan quản lý và nhân dân cho rằng sẽ khó có thể có lũ lớn trên sông Hồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ đê bị lơ là ở tuyến đê này. Và lâu dần, sự lơ là cũng lan sang nhiều tuyến đê khác.

Để bảo vệ hệ thống đê của Hà Nội, rõ ràng, việc đầu tiên cần làm là xử lý triệt để những hành vi vi phạm. Cụ thể: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với việc để xảy ra cũng như không xử lý rốt ráo các vụ việc phát sinh trong thẩm quyền trách nhiệm. Ngoài ra, với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, nên xem xét chế tài hình sự đối với đối tượng vi phạm để răn đe. Về lâu dài, cả hệ thống chính trị cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết quy hoạch đê điều đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được HĐND thành phố thông qua ngày 3-12-2013.

Hệ thống đê của Hà Nội đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, nhiều đoạn đê nằm trên vùng địa chất xấu, sát ao hồ, dòng chảy chính nên khi nước sông dâng cao, nhiều đoạn xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi. Nhiều người ở độ tuổi trung niên hẳn không thể quên trận lũ lịch sử năm 1971, khi nhiều tỉnh phải phá đê để “giải cứu” cho Thủ đô. Đó sẽ là bài học nhãn tiền để cần phải nâng cao cảnh giác hơn nữa, nhất là khi biến đổi khí hậu với nhiều diễn biến bất thường đang ngày càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Sông Hồng có thể bớt lo khi có 3 bậc thang thủy điện trên sông Đà "giải cứu", nhưng còn rất nhiều con sông khác trên địa bàn Thủ đô bình thường có khi yên ả, nhưng khi mưa to lũ lớn thì không thể nói trước được hậu quả gì sẽ xảy ra.

Thiên tai thì không báo trước nhưng “nhân tai” thì hoàn toàn có thể dự báo được diễn biến, kết quả, dù không ai mong điều đó xảy ra. Bởi thế, suy cho cùng - "phòng" vẫn quan trọng hơn "chống" và phải đi trước một bước.

Đan Nhiễm