Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Olympic 2020: Không còn sớm!

Thể thao - Ngày đăng : 07:01, 24/08/2016

(HNM) - Ngày 22-8, những thành viên cuối cùng của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2016 tại Brazil đã về đến Hà Nội. Một kỳ Olympic thành công đã khép lại để giờ đây thể thao Việt Nam lại hướng đến Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản) với không ít thách thức, âu lo khi thời gian cũng không còn quá sớm.


Có gì trong tay?

Khi Đoàn Thể thao Việt Nam còn đang tranh tài tại Olympic 2016, trong buổi làm việc với Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã lưu ý những người làm công tác thể thao về khâu chuẩn bị cho Olympic 2020. Thể thao Việt Nam đã đạt được những cột mốc tại Olympic 2016 như có số VĐV tham dự đông nhất từ trước đến nay (23 VĐV ở 22 bộ môn) trong đó có 21 VĐV qua vòng tuyển chọn chính thức, lần đầu tiên giành được 2 huy chương, trong đó có 1 HCV, 1 HCB khi tham dự một kỳ Thế vận hội.

Dù thi đấu không thành công ở Olympic Rio, kình ngư Ánh Viên vẫn được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: REUTERS



Vấn đề là Ngành Thể thao có gì để góp ít nhất 23 VĐV cũng như giành ít nhất 1 HCV, 1 HCB ở Olympic 2020. Hàng loạt môn mũi nhọn đã được chỉ ra trong đó có bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, rowing, đấu kiếm, vật, bơi, điền kinh, taekwondo, judo, cầu lông và đương nhiên là karatedo - môn thi đấu mới chính thức được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic 2020 cách đây gần một tháng. Nhưng quan trọng hơn cả là các nhân tố có đáp ứng được mục tiêu hay không? Nếu chỉ để giành suất tới Olympic 2020 thì đa số môn trên đều có thể đáp ứng ngoài taekwondo, judo, thể dục dụng cụ - những môn chưa cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đầy đặn về lực lượng kế thừa. Taekwondo Việt Nam sau thất bại tại vòng loại Olympic 2016 đã bộc lộ không ít vấn đề về lực lượng. Judo cũng chưa có VĐV thay thế xứng đáng Văn Ngọc Tú, nếu võ sĩ này nghỉ thi đấu. Sau Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng, thể dục dụng cụ Việt Nam cũng sẽ vất vả tìm người thay thế. Trong khi đó, một số môn khác như đấu kiếm, vật, dù gặp khó khăn về kinh phí cũng đã chuẩn bị lực lượng từ khoảng 2 năm nay.

Để thực hiện mục tiêu giành huy chương thì trước mắt vẫn là cử tạ, bắn súng và thêm karatedo. Môn cử tạ ngoài Thạch Kim Tuấn, vẫn có thể trông vào Nguyễn Trần Anh Tuấn ở hạng 56kg nam. Bắn súng cũng có thể hy vọng nếu vẫn còn Hoàng Xuân Vinh thi đấu. Trong khi đó, từ lâu nay karatedo luôn trong nhóm đầu châu lục và thế giới. Việc môn này có mặt ở Olympic 2020 với 8 bộ huy chương (2 biểu diễn quyền, 6 đối kháng) là cơ hội lớn để thể thao Việt Nam không lo trắng tay ở Olympic 2020.

Cần chuẩn bị ngay từ bây giờ

Rõ ràng, cách đi đến ngôi vô địch Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã khẳng định cách làm cho thể thao Việt Nam. Vẫn sẽ là đầu tư trọng điểm, theo đúng "chuẩn quốc tế" để VĐV được tập huấn và thi đấu quốc tế nhiều hơn cũng như được đáp ứng chế độ dinh dưỡng, y tế phù hợp nhất với khả năng chi trả của thể thao Việt Nam, Hoàng Xuân Vinh nhờ được tập huấn tại Hàn Quốc với các xạ thủ hàng đầu thế giới, được tập bắn bia điện tử (ở Việt Nam chỉ có bia giấy) và thi đấu từ 7 đến 10 giải quốc tế/năm mới có được thành công vừa qua. Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn tại Mỹ mới có thể gần vào chung kết nội dung 400m hỗn hợp tại Olympic 2016.

Với nhiều môn khác, giờ đây đầu tư cho mục tiêu Olympic 2020 tại Nhật Bản cũng không còn sớm. Điều tiên quyết để thực hiện mục tiêu ở Olympic 2020 là phải có con người, cụ thể là VĐV. Sau đó, phải có kinh phí để thực hiện. Đề cập đến việc đầu tư cho Olympic 2020 không còn là sớm nếu biết rằng thể thao Thái Lan đã chuẩn bị lực lượng cho... Olympic 2024 từ 1-2 năm trước.

Thùy An