Đất tại các cụm làng nghề: Không thể chấp nhận sự đã rồi!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 24/08/2016

(HNM) - Thời gian qua, do buông lỏng quản lý, hàng loạt vi phạm trong sử dụng đất và trật tự xây dựng tại các làng nghề sản xuất tập trung đã xảy ra, thậm chí không được xử lý dứt điểm. Trong khi đó, thực tế hoạt động tại các làng nghề tiếp tục nảy sinh nhiều vấn đề mới, đặt công tác quản lý trước nhiều khó khăn.


Bài đầu: Sai phạm trên đất làng nghề

Đất được quy hoạch để sản xuất làng nghề nhưng những ngôi biệt thự, nhà liền kề hoành tráng vẫn vô tư “mọc” lên trước sự bất lực của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều cuộc họp được tổ chức nhưng rốt cuộc… sai phạm vẫn đâu vào đấy. Vì sao lại có tình trạng này trong khi khung pháp lý đã rất rõ ràng?

Biệt thự mọc trên đất Cụm làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm).


Không thể nói là sự đã rồi

Thời gian gần đây, dư luận liên tục nhắc đến tình trạng xây dựng “biệt thự” trong khu vực đất đai của Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng (Cụm làng nghề).

Không khó để tìm ra 2 ngôi biệt thự bề thế, hoành tráng, kiến trúc cầu kỳ “mọc” ngay giữa khu đất của Cụm làng nghề, tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Hai công trình nổi bật thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Thanh. Công trình thứ nhất, bà Thanh được cấp phép xây 3 tầng, tổng diện tích sàn 311,5m2 với chiều cao đỉnh mái 12,9m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây vượt tổng diện tích sàn 103,08m2. Ngay bên cạnh, bà Thanh tiếp tục xây công trình thứ hai. Công trình này cũng được cấp phép xây 3 tầng, diện tích sàn xây dựng 288m2, tổng diện tích sàn 864m2, chiều cao đỉnh mái 11,6m. Tuy nhiên, chiều cao công trình này vượt 4,4m.

Ngoài 2 biệt thự nói trên, tại Cụm làng nghề này còn 4 công trình vi phạm khác, trong đó 3 công trình xây dựng không phép và 1 công trình xây dựng vượt chiều cao so với giấy phép. Đặc biệt, 3 công trình không phép xây dựng trên đất quy hoạch trồng cây xanh. Nguồn cơn vi phạm này bắt nguồn từ việc HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng đã cho các hộ thuê đất. Trong quá trình cho thuê, UBND xã Bát Tràng và HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý kịp thời nên vi phạm phát sinh và tồn tại đến nay.

Vi phạm tương tự cũng đang diễn ra tại Cụm làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh). Trên diện tích hơn 100.000m2 của dự án Cụm làng nghề Vân Hà, hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, đèn chiếu sáng, điện, cây xanh… đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên nơi đây giống khu giãn dân hơn là cụm làng nghề. Theo quan sát của phóng viên, có ít nhất 4 dãy nhà, gồm cả liền kề và một số ngôi biệt thự xây dựng kiên cố, phần lớn có chiều cao 3 tầng. Điều đáng ngạc nhiên là mỗi lô trúng thầu có diện tích từ 400m2 đến 600m2, nhưng việc sử dụng trên thực tế lại hoàn toàn khác. Hầu hết các hộ trúng đấu giá đất đã chia nhỏ lô đất, mỗi lô từ 4 đến 5 hộ sử dụng. Được biết, UBND huyện Đông Anh đã cấp 7 giấy phép xây dựng với mật độ xây dựng từ 45-50% và chiều cao từ 1 đến 2 tầng. Tuy nhiên các hộ trúng đấu giá đã không thực hiện đúng giấy phép. Thống kê của UBND huyện Đông Anh từ năm 2014 đến nay có 21 trường hợp xây dựng sai giấy phép và 9 công trình khác không có giấy phép xây dựng.

Không có nhiều công trình kiểu cách biệt thự, nhưng tại Cụm làng nghề Vạn Điểm (Thường Tín) nhiều lô đất bị chia nhỏ, xây như những dãy nhà liền kề. Tại đây, hiện cũng có 3, 4 công trình đang cấp tập hoàn thiện. Trong khi đó, nhiều lô đất có hai mặt tiền cũng được xây dựng 3, 4 tầng như khách sạn. Theo quy định, công trình xây tại làng nghề cao không quá 7m, nhưng thực tế đang có hàng chục công trình ở đây được xây cao 3, 4 tầng. Thực trạng này khiến cho chủ trương tách sản xuất ra khỏi khu dân cư đã bị “phá sản”!

Phải xử lý nghiêm sai phạm

Tất cả những vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại các làng nghề nêu trên đều đã được chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng lập biên bản, ra quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục… nhưng không vi phạm nào bị xử lý triệt để. Thậm chí, có vi phạm đã có quyết định cưỡng chế, nhưng đến nay công trình vẫn được hoàn thiện.

Điển hình là những vi phạm tại Cụm làng nghề xã Bát Tràng đã được Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm lập biên bản và UBND xã Bát Tràng ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần vi phạm. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi nhận thấy các công trình vẫn đang hoàn thiện. Trong khi đó, UBND huyện Gia Lâm vẫn tiếp tục chỉ đạo Đội Thanh tra xây dựng, UBND xã Bát Tràng kiểm tra, đình chỉ thi công. Trả lời về tình trạng xử lý sai phạm như “đấm bị bông” kể trên, ông Tô Hữu Vịnh, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm cho biết: Hiện nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đang xem xét, kết luận việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt tại Cụm làng nghề xã Bát Tràng; cùng với đó, Đoàn thanh tra của UBND huyện Gia Lâm đang làm rõ trách nhiệm của UBND xã Bát Tràng và HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng trong quản lý Cụm làng nghề. Sau khi có kết luận, các vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Còn với những vi phạm tại Cụm làng nghề Vân Hà, UBND huyện Đông Anh đã nhiều lần họp bàn biện pháp xử lý. Song, sáng 10-8-2016, khi có mặt tại Cụm làng nghề Vân Hà, chúng tôi chứng kiến có ít nhất 2 ngôi nhà, diện tích mặt sàn mỗi nhà khoảng 100m2 vẫn đang hoàn thiện như... chưa hề vi phạm. Một chủ công trình ở đây cho biết, có việc cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm và yêu cầu dừng thi công, “tuy nhiên khi họ rút đi chúng tôi lại tiếp tục xây dựng”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Thanh tra xây dựng xã Vân Hà cho biết, đã thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các vi phạm. Về tình trạng vẫn có hộ dân lén lút xây dựng, ông Minh thừa nhận lực lượng Công an, Thanh tra xây dựng ở cấp xã mỏng nên không thể túc trực để ngăn chặn vi phạm. “Chúng tôi đã nhiều lần phải tịch thu phương tiện, dụng cụ thi công của người dân” - ông Minh khẳng định.

Vì những vi phạm ở làng nghề Bát Tràng, đã có 4 cán bộ Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm và 2 cán bộ xã Bát Tràng bị kiểm điểm trách nhiệm. Đây là động thái cần thiết để nâng cao trách nhiệm của những cán bộ cơ sở có thẩm quyền phát hiện, xử lý sai phạm ngay từ khi phát sinh nhưng đã lơ là, dung túng, thậm chí tiếp tay cho sai phạm. Thiết nghĩ, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại các cụm làng nghề thời gian qua, những địa phương có sai phạm tương tự như Gia Lâm cũng cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên