Để thực phẩm sạch có “chỗ đứng”: Cần minh bạch thông tin
Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 24/08/2016
Để thực phẩm sạch có "chỗ đứng", Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và DN phải minh bạch thông tin là những nội dung được thảo luận trong Diễn đàn Kết nối DN - người tiêu dùng đón "sóng" thực phẩm sạch, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Điện tử Trí thức trẻ tổ chức ngày 23-8.
Những con số đáng báo động
Theo điều tra của Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm (Bộ Y tế), qua kiểm tra 120 mẫu rau thì có tới 40 mẫu chứa tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép; kiểm tra 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm thì có tới 455 mẫu không an toàn cho người sử dụng.
Ảnh minh họa |
Vừa qua, Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) kiểm tra tại 11.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV thì có tới 2.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc kém chất lượng, hơn 2.500 cơ sở vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc BVTV. Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt nhận định, cái chết “rình rập” trên từng mâm cơm của mỗi gia đình, thậm chí ngay trong bữa ăn của trẻ nhỏ. Hiện, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm "bẩn" chiếm 35%. Trong khi sản phẩm "bẩn" vẫn bày bán tràn lan trên thị trường còn các mặt hàng nông nghiệp an toàn đang nỗ lực tìm "chỗ đứng".
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, hiện có nhiều DN tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, nhưng số lượng tiêu thụ ít. Thậm chí có tình trạng thực phẩm bẩn được gắn mác thực phẩm sạch để lừa khách hàng khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Đồng quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, năm 2015, Chi cục đã tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn thủy, hải sản đông lạnh, gần 20 tấn thịt bò, thịt lợn, thịt trâu… trong đó có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, siêu thị... gắn mác thực phẩm sạch.
Chính vì mất niềm tin nên người tiêu dùng đành lòng ra chợ mua thịt tươi không rõ nguồn gốc với giá cao hơn mua thịt "sạch" đông lạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ trang trại lợn sạch Ba Vì, trang trại rất nỗ lực trong việc cung ứng thực phẩm sạch nhưng người tiêu dùng không nhiệt tình với sản phẩm thịt lợn sạch được đóng trong túi hút chân không và đã qua cấp đông. Vì vậy, để duy trì hoạt động, trang trại phải xuất bán lợn sang thị trường Trung Quốc và một số nước. Ông Trần Quân - chủ thương hiệu hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển nhận định, để sản xuất theo quy trình sạch, nông dân phải tốn kém các chi phí để được cấp Giấy chứng nhận an toàn, phải ghi chép sổ sách nhật ký, giá bán cao hơn so với các sản phẩm ngoài chợ nên khó hấp dẫn người tiêu dùng.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng nhận định, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nông sản sạch nước ngoài tràn vào với giá cả hợp lý, nếu sản phẩm trong nước còn nhập nhèm như hiện tại thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại khiến DN chết yểu ngay trên "sân nhà".
Cần minh bạch thông tin
Các đại biểu dự Diễn đàn cho rằng, nếu thị trường và DN đều thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh nông sản thì thất bại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch là rất khó tránh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sữa TH True Milk Thái Hương cho biết, để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm sạch, các DN cần minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc. Khi đó khách hàng chỉ cần kiểm tra bằng điện thoại thông minh có thể biết rõ được quy trình sản xuất nông sản sạch. Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch; các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện vi phạm trên thị trường, đồng thời xử lý nghiêm và tịch thu giấy phép kinh doanh đối với những cửa hàng trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bán cho người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, trong thời gian tới các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn đang bày bán trên thị trường. Các DN cần công khai minh bạch sản phẩm trên bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng lựa chọn. Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, để các DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn của Việt Nam cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, kể cả khuyến khích đầu tư kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp.