Xây dựng nông thôn mới ở huyện Mê Linh: Vẫn còn tâm lý trông chờ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 24/08/2016
Thiếu vốn, nhiều dự án chậm triển khai
Bí thư Đảng ủy xã Tam Đồng Phạm Thành Đô băn khoăn, xây dựng NTM ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn: Một số tiêu chí trước đây đã đạt như hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, nhưng nay lại không đạt do nhiều vị trí cán bộ thuyên chuyển công tác, khuyết các chức danh. Ngoài ra, các tiêu chí “cứng” xây dựng hạ tầng cần kinh phí lớn nhưng xã Tam Đồng vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện. “Trên địa bàn xã đã lập dự toán xây dựng 29 tuyến đường giao thông nông thôn dài 4,5km, rất mong huyện Mê Linh bố trí cấp vật tư. Với hệ thống giao thông nội đồng, xã đã có kế hoạch thi công 7,5km rải đá cấp phối, nhưng nay mới dừng ở khâu xin chủ trương đầu tư. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã Tam Đồng hiện mới có 1/3 thôn có nhà văn hóa nhưng lại nằm trong khuôn viên chùa, đang xin tách ra vị trí mới; 2 thôn còn lại vẫn chưa có nhà văn hóa” - ông Phạm Thành Đô cho biết thêm.
Cùng cảnh ngộ, các xã Tiến Thịnh, Kim Hoa... cũng đang "đói" vốn cho xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thịnh Đàm Mạnh Trường chia sẻ: Xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM; 5 tiêu chí chưa đạt (giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường) đều cần nhiều kinh phí, nhưng huyện chưa bố trí kinh phí hỗ trợ. Rất mong huyện Mê Linh sớm giúp đỡ xã hoàn thiện hồ sơ, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất ở 2 vị trí đã được duyệt. Tương tự, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường cho biết: Xã có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM, 1 tiêu chí cơ bản đạt và 3 tiêu chí chưa đạt. Xã chỉ có 2/7 thôn có nhà văn hóa, những thôn còn lại dù đã bố trí quỹ đất và thuê đơn vị khảo sát thiết kế, dự kiến kinh phí xây dựng 5 nhà văn hóa còn lại khoảng 12 tỷ đồng, nhưng chưa biết lấy vốn ở đâu để triển khai...
Tâm lý... chờ hỗ trợ
Thu ngân sách cấp xã hạn chế, nguồn vốn xây dựng NTM chủ yếu trông vào đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng quy trình, thời gian kéo dài, không phải xã nào trên địa bàn huyện Mê Linh cũng thực hiện được. Ông Đàm Mạnh Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thịnh lý giải: Là xã thuần nông, thu nhập của người dân còn hạn chế, trên địa bàn không có doanh nghiệp nên việc huy động vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Còn Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Kim Nguyễn Minh Hải cho biết, trong trường hợp có tổ chức đấu giá, xã Hoàng Kim cũng khó tạo nguồn thu lớn, bởi địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, giá đất thấp. Thành phố quy định giá đất ở Hoàng Kim 2 triệu đồng/m2, nhưng thực tế giá đất ở đây người dân chỉ giao dịch ở mức 1,5 triệu đồng/m2, nên rất khó triển khai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, nhiều xã trên địa bàn huyện vẫn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của thành phố. Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, các công trình giao thông, thủy lợi được vận dụng theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND TP Hà Nội là hỗ trợ sau đầu tư. Theo đó, các xã huy động nhân dân, doanh nghiệp làm trước, sau khi quyết toán thì mới cấp kinh phí hỗ trợ. Trong trường hợp, các xã không làm thì huyện không thể phân bổ kinh phí hỗ trợ. Để làm tốt tiêu chí này, địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến cho biết, tháng 3 và tháng 4-2016, huyện Mê Linh đã làm việc với từng xã để tháo gỡ các tiêu chí về giao thông, thủy lợi trong xây dựng NTM. Huyện đã cấp đủ 100% kinh phí cho các xã triển khai, tuy nhiên, kết quả thực hiện chậm. Đối với tiêu chí nhà văn hóa, quan điểm chỉ đạo của huyện Mê Linh, xã nào có điều kiện làm thì cho khởi công ngay và đã bố trí đủ kinh phí. Tuy nhiên, có xã chưa bố trí được quỹ đất hoặc chậm giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ. Ông Phùng Minh Chiến cũng đề nghị thành phố quan tâm bố trí vốn kịp thời, bởi phong trào làm đường giao thông nông thôn ở các xã khá sôi nổi, tiếc là, làm xong nhưng chậm nhận được hỗ trợ đã khiến phong trào xây dựng NTM ở một số xã trong huyện giảm xuống.