Châu Âu đang tìm lại sức mạnh

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 25/08/2016

(HNM) - Các nhà lãnh đạo của ba nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã tham gia cuộc họp hôm 22-8, trên tàu sân bay Garibaldi ở ngoài khơi thành phố Napoli của Italia, để bàn thảo về định hướng

Củng cố sức mạnh của liên minh là nội dung cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Đức A.Merkel (ngoài cùng bên phải), Thủ tướng Italia M.Renzi (giữa) và Tổng thống Pháp F.Hollande.



Cuộc họp không chỉ nhằm tìm ra lối đi chung cho EU sau sự kiện Anh quyết định rời bỏ liên minh (Brexit) mà có thể coi là một động thái tích cực cho việc bảo vệ và xây dựng một Châu Âu đoàn kết, thống nhất, như lời của Tổng thống Pháp tại cuộc họp báo sau đó là: “Ý tưởng về một Châu Âu phòng thủ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vì chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa nội bộ và ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh ở các nước xung quanh".

Tại cuộc gặp, ba nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, Brexit không phải là dấu chấm hết đối với liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới. Thay vào đó, bên cạnh việc tôn trọng quyết định của người Anh, bản thân 27 thành viên còn lại của EU cũng phải viết chương mới cho tương lai của chính họ nhằm hướng tới mục tiêu “một Châu Âu hòa bình và thịnh vượng” theo như lời Thủ tướng Đức A.Merkel. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc củng cố sự gắn kết và hưng thịnh cho EU là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh Lục địa già cùng lúc đối mặt với nhiều nguy cơ từ khủng hoảng di cư, kinh tế trì trệ cho tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và xu hướng “ly khai”. Cùng với đó, mỗi thành viên trong khối cũng có những vấn đề riêng. Italia vốn ngập trong nợ nần và nền kinh tế hầu như không tăng trưởng trong nhiều năm qua. Nước này cũng luôn phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng có phần hà khắc của EU. Trong khi đó, nước Đức lại muốn những quy tắc này phải được tôn trọng thay vì nới lỏng để kích thích tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nguy cơ lạm chi.

Đối mặt với vấn đề khủng bố, Thủ tướng Đức A.Merkel cũng vấp phải nhiều câu hỏi từ hai người đồng cấp liên quan tới việc mở cửa cho người nhập cư Hồi giáo, điều được cho là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối về an ninh mà nhiều nước Châu Âu phải đối mặt trong thời gian qua. Bản thân kế hoạch cung cấp gói ưu đãi cho các chính phủ Châu Phi nhằm hạn chế lượng người di cư cũng đang gặp phải những ý kiến trái chiều. Theo Tổng thống Pháp F.Hollande, khoản “đầu tư” này nên được sử dụng vào việc tự bảo vệ EU như thắt chặt biên giới, tăng cường khả năng an ninh và hoạt động tình báo. Thủ tướng M.Renzi dường như cũng đồng thuận với chủ trương này bởi Italia là cửa ngõ chính cho người di cư từ Bắc Phi đổ vào Châu Âu.

Cho dù cuộc gặp lần này chưa mang lại kết quả cụ thể nào nhưng nó cho thấy, các lãnh đạo EU đều nhận thức rất rõ ràng về các mục tiêu mà Châu Âu cần hướng tới để củng cố vị thế. Điều này thể hiện qua tuyên bố chung về việc EU cần tăng cường tính thống nhất nhằm tránh tình trạng “tan rã, chia cắt và co cụm”. Mặt khác, mục tiêu giải quyết các vấn đề kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và vị thế của châu lục bởi tính cạnh tranh của Châu Âu đang suy giảm. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ba nền kinh tế hàng đầu EU đều cho rằng chỉ có công nghệ hiện đại mới có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng lúc phải ứng phó với nhiều thách thức, EU đang ở một trong những thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, mục tiêu chấn hưng liên minh sau hàng loạt biến cố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong khiến cuộc đối thoại giữa ba nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn nhất trong khối có ý nghĩa đặc biệt. Cho dù còn nhiều việc phải làm nhưng trước mắt, sự thống nhất trong quan điểm và hành động là yếu tố hàng đầu tạo cơ sở cho những bước đi tiếp theo nhằm giải quyết những bất cập và tìm lại được sức mạnh của một Châu Âu đoàn kết, thống nhất và phồn hoa.

Hoàng Linh