Cần điều chỉnh phù hợp với thực tế
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 26/08/2016
Sau 3 năm triển khai thực hiện, theo Bộ NN&PTNT, kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo ra những chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng chưa vững chắc, thậm chí còn giảm trong quý I-2016. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa hiệu quả khi thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, thiếu tính liên kết; năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế; việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập…
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, xác định rõ nguyên nhân là hết sức cần thiết để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Hạn hán ngày càng khốc liệt khiến sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đình đốn. Vài năm gần đây, mùa nước nổi không còn như xưa nữa, trong khi xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền làm xáo động cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ trù phú. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 55,5% sản lượng lúa gạo, 75% sản lượng trái cây và khoảng 69% sản lượng thủy sản cả nước. Tái cơ cấu nông nghiệp, vì thế, càng phải đẩy mạnh.
Thế nhưng, làm sao để đẩy nhanh tái cơ cấu và cơ cấu hiệu quả vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp thấu đáo. Để bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ khẳng định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa. Việc tái cơ cấu trong từng lĩnh vực phải dựa trên cả 3 khía cạnh “kinh tế, xã hội và môi trường”. Có thể thấy, tầm nhìn đã rõ, nhưng vẫn còn những địa phương, vì mục tiêu tăng trưởng, chưa quan tâm thích đáng tới lĩnh vực nông nghiệp. Thậm chí, không ít diện tích “bờ xôi, ruộng mật” được quy hoạch cho các mục đích khác rồi… bỏ hoang, hoặc không thể canh tác do hệ thống thủy lợi bị phá vỡ.
Để tái cơ cấu, việc điều tra, xác định thế mạnh từng vùng, từ đó quy hoạch sản xuất nhằm phát huy tối đa thế mạnh là vô cùng quan trọng. Đáng buồn là, ở nhiều nơi nông dân vẫn phải “tự bơi”, phát triển sản xuất tự phát. Việc quy hoạch sản xuất, phát huy thế mạnh vùng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên các cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vay vốn… chưa thực sự phát huy hiệu quả. Số doanh nghiệp thực sự mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, giống cây trồng, vật nuôi… cất trong tủ nhiều hơn triển khai đại trà vì không thể cạnh tranh được ngay cả với sản phẩm, công trình của những nhà “sáng chế chân đất”… Không khó xác định những nông sản đặc sản của từng địa phương, nhưng việc hình thành vùng sản xuất, đòi hỏi tính liên kết không chỉ của nông dân mà của cả nhà khoa học, doanh nghiệp chưa nhiều… Và chính sự thiếu quy hoạch vùng sản xuất đã dẫn tới những mâu thuẫn ở nông thôn, mà điển hình gần đây là giữa cấy lúa với nuôi tôm ở một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, Chính phủ đã xác định rõ: “Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan”. Khó khăn, phức tạp, nên càng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở mỗi địa phương.
Biến đổi khí hậu ngày càng gây ra áp lực lớn, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tự phát, manh mún ngày càng không phù hợp với biến đổi khí hậu cũng như áp lực cạnh tranh hội nhập quốc tế.