Giả danh người thân quen, bạn bè gọi điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - Ngày đăng : 14:35, 26/08/2016
Một số vụ điển hình: Khoảng 14h00' ngày 2/6/2016, ông N.T.T (sinh 1943, ngụ Quận 9) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng tên Hoàng là em họ của ông N.T.T, hiện đang sinh sống tại nước Pháp. Hoàng cho biết có người bạn tên Hậu (ngụ tỉnh Cần Thơ) đang cần tiền chữa trị cho con bị tai nạn giao thông, nhưng do Hoàng ở xa không chuyển tiền về cho Hậu kịp nên muốn mượn tiền của ông N.T.T để đưa cho Hậu lo viện phí và hứa sẽ trả lại cho ông N.T.T ngay. Do mất cảnh giác, ông N.T.T đã chuyển 20.000.000 đồng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Tương tự, 10h00' ngày 14/4/2016, một thanh niên gọi điện thoại cho bà V.T.A (sinh 1957, ngụ Quận 1) và tự xưng tên Sĩ là người thân của gia đình bà, hiện đang cùng vợ đi Mỹ thăm con. Hiện nhà có đứa cháu bị tai nạn giao thông ở tỉnh Cần Thơ nên cần gấp số tiền 45.000.000 đồng để mổ cấp cứu; do Sĩ đang ở Mỹ không về kịp, nhờ bà V.T.A chuyển tiền trên vào số tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp và hứa sẽ trả lại tiền cho bà vào hai hôm sau. Vì bà V.T.A cũng có người bạn tên Sĩ nên mất cảnh giác, ngộ nhận và chuyển số tiền trên vào tài khoản do đối tượng cung cấp vào lúc 13h30' cùng ngày.
Nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm trên đến cán bộ, đảng viên và người dân.
Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân hay nạp tiền, chuyển tiền khi nghi vấn các đối tượng giả danh người thân quen, bạn bè gọi điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc qua số điện thoại 113.