Quy định về quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP: Có ngăn được “kẽ hở”?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 26/08/2016

(HNM) - Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề được xếp vào loại “có điều kiện”, phải được quản lý chặt chẽ. Song, thực tế là loại hình kinh doanh này rất khó kiểm soát. Trước tình hình đó, ngày 1-7-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) đối với một số ngành,

Núp bóng cầm đồ để phạm pháp

Theo Thông tư số 33/2010/TT-BCA thì điều kiện có tính chất ràng buộc về ANTT để có thể kinh doanh dịch vụ cầm đồ không quá nặng nề và còn nhiều lỗ hổng. Theo đó, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Chủ kinh doanh không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có và khi nghi ngờ hàng hóa, tài sản là do phạm tội mà có phải thông báo với cơ quan công an.

Các cửa hàng cầm đồ mọc lên san sát trên đường Láng.Ảnh: Anh Tuấn



Thực tế thì sao? Những quy định này mang tính điều kiện bắt buộc nhưng chủ cơ sở dễ dàng “lách qua”. Những yêu cầu về giấy tờ, sổ sách hầu như không phải là vấn đề đối với dịch vụ cầm đồ. Việc chứng minh sở hữu đối với những tài sản nhỏ như đồ điện tử, điện thoại, trang sức… là không thể. Còn có “nghi ngờ” hay không lại là yếu tố mang tính chủ quan, rất khó quy kết trách nhiệm… Trong khi đó, khả năng sinh lời từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ rất cao. Chính vì thế, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Quy định còn “lỏng”, lợi nhuận lại cao, ràng buộc giữa người vay và chủ cầm đồ thường không được xử lý theo pháp luật nên từ loại hình kinh doanh này rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội cho biết, dịch vụ cầm đồ là một trong những phương thức để tội phạm có tính ổ nhóm “ẩn thân”, lấy nguồn tài chính và sẵn sàng gây án vì nguồn tài chính đó. Gần đây nhất, Công an quận Đống Đa khám phá ổ nhóm do Vũ Quang Hùng (SN 1981, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình) có hành vi cho vay nặng lãi, cầm cố sau đó chỉ đạo đàn em gây ra vụ án có tính chất “giết người” vì mâu thuẫn tiền bạc. Điều tra ban đầu cho thấy, Hùng lấy nguồn thu từ cho vay, cầm đồ để nuôi một số thanh niên côn đồ làm việc thu nợ; tích trữ nhiều vũ khí để sẵn sàng gây án khi đòi nợ, siết nợ…

Siết chặt các quy định

Có một thực tế là dịch vụ cầm đồ đang “biến hình” khá phức tạp. Anh N.V.T., chủ một “công ty tài chính” ở quận Hai Bà Trưng cho biết, hoạt động có tính chất cầm đồ, cho vay giờ kín đáo hơn, không cần cửa hàng. Tài sản thế chấp có thể có giá trị lớn hơn, nhưng ngược lại có thể không cần tài sản thực tế (có thể là tài sản “sẽ có” hoặc mang tính “tín chấp”). Những sự thay đổi này khiến công tác quản lý nhà nước thêm phần khó khăn. Vì vậy, Nghị định 96/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được kỳ vọng tạo thêm hành lang pháp lý để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trên lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhất là với hoạt động cầm đồ.

Đáng chú ý, Nghị định quy định rõ “kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố”. Về điều kiện, Nghị định cũng yêu cầu rõ, người chịu trách nhiệm về ANTT của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 5 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về một số hành vi có tính chất hình sự. Với điều kiện này, những đối tượng như Vũ Quang Hùng trong vụ án trên sẽ khó kinh doanh cầm đồ bởi chưa có điều kiện về hộ khẩu. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự cũng không thể đứng ra làm dịch vụ này.

Một vấn đề từ thực tiễn đã được đặt ra tại Nghị định là việc cầm đồ thường đi liền với đòi nợ. Nghị định cũng quy định khá rõ về điều kiện để thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ và đặc biệt nhấn mạnh lại việc nghiêm cấm đòi nợ khi chưa có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ, chưa có văn bản thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ... Những quy định này bước đầu đã bám gần hơn với thực tiễn của hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, là tiền đề để cơ quan chức năng siết chặt quản lý, ngăn ngừa vi phạm và tội phạm... Nhưng để thực hiện những quy định này còn phải chờ Bộ Công an ra thông tư hướng dẫn thi hành.

Trong thời gian này, như Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, công tác quản lý nhà nước về ANTT đối với các cửa hàng cầm đồ nói riêng, hoạt động cho vay dạng cầm đồ, đòi nợ nói chung đang tiếp tục được CATP đặt ra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2016. Tương lai gần, khi những quy định mới đi vào thực tiễn, hy vọng hoạt động cầm đồ sẽ có bước chuyển tích cực.

Thành Tâm