Bộ Tài chính bị kêu không cung cấp đủ bằng chứng xác nhận nợ công

Kinh tế - Ngày đăng : 16:15, 26/08/2016

Công tác quản lý nợ công bị cho là phân tán, thiếu thống nhất và thậm chí Bộ Tài chính cũng chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số dư nợ công.

Ảnh minh họa: Như Ý


Thống kê chỗ thừa, chỗ thiếu

Đưa ra nhận định này tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 tổ chức sáng 26/8, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho hay, dư nợ công tới 31/12/2014 là 2.284.882 tỷ đồng, bằng 58,02% GDP.

Con số này theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là số liệu tổng hợp trên cơ sở Báo cáo của Bộ tài chính và điều chỉnh một số khoản theo kết quả kiểm toán.

Đánh giá về công tác quản lý nợ công, ông Dũng cho rằng, công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán nhận định: Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014.

Lý giải nhận định này, văn bản của ngành kiểm toán nêu rõ, số dư đầu kỳ (31/12/2013) của hầu hết danh mục nợ công tại "Báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ công năm 2014" của Bộ Tài chính không phù hợp với số liệu tại "Báo cáo giám sát nợ công năm 2013." Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa làm rõ đầy đủ nguyên nhân chênh lệch trên.

Ngoài ra, một số khoản vay trong nước, Bộ Tài chính chỉ cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước số liệu tổng hợp, chưa cung cấp các tài liệu về hạch toán, theo dõi chi tiết đối với từng khoản vay.

"Kết quả kiểm toán chọn mẫu một số khoản vay cho thấy Bộ Tài chính thống kê thiếu, thừa một số khoản rút vốn, trả nợ, dẫn đến báo cáo nợ công thiếu 864 tỷ đồng (339 tỷ đồng nợ Chính phủ, 461 tỷ đồng nợ được Chính phủ bảo lãnh và 64 tỷ đồng nợ chính quyền địa phương)," kết quả kiểm toán năm 2015 nêu lên.

Nợ quá hạn hàng nghìn tỷ đồng

Cũng về nợ công, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, danh mục nợ tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ.

Ngoài ra, tốc độ nợ công đang tăng nhanh. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư nợ công giai đoạn năm 2010-2014 tăng bình quân 18,6%/năm; đến 31/12/2015 nợ công chiếm khoảng 62,2%GDP.

Một vấn đề được Kiểm toán Nhà nước nêu lên là 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản. Trong khi ấy, các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất.

Đặc biệt, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ. Đến 31/12/2014, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương trên 1,29 tỷ USD, chiếm 10,06% tổng dư nợ.

Theo thống kê, 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh đã phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với số dư tương đương 4.703 tỷ đồng, trong đó 8 dự án có nợ ứng vốn quá hạn tương đương 1.792 tỷ đồng.

Một loạt ví dụ được nêu lên như: Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam dư nợ 52,7 triệu euro, trong đó quá hạn 33,2 triệu euro; Dự án Xi măng Hạ Long dư nợ 37,9 triệu euro, trong đó quá hạn 7,8 triệu euro; Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên dư nợ 27,6 triệu euro, trong đó quá hạn 7,3 triệu euro; Dự án Thủy điện Xekaman 3 dư nợ 17,5 triệu USD, trong đó quá hạn 14,5 triệu USD,...

Với các địa phương, báo cáo kiểm toán chỉ ra tình trạng không lập kế hoạch vay và trả nợ vay như: Tỉnh Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Quảng Ngãi,... Một số địa phương thậm chí không bố trí đủ dự toán để trả nợ là: Quảng Trị, Hòa Bình, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Ninh Bình.

"19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước," đánh giá của Kiểm toán Nhà nước ​cho biết./.

Theo Vietnam+