"Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở"
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:50, 27/08/2016
Năm 2013, HĐND thành phố có Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong đó đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ dành cho thủ khoa xuất sắc của các trường đại học như: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận…
Và đương nhiên, người tài không chỉ có các thủ khoa xuất sắc. Do đó, chính sách trọng dụng nhân tài còn bao hàm cả việc tuyển dụng và sử dụng những nhân tố điển hình trong sáng tạo và cống hiến trí tuệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ... Không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”.
Muốn thu hút và sử dụng nhân tài phải biết quý trọng nhân tài. Và trước hết phải biết phát hiện, lựa chọn nhân tài vào những công việc phù hợp để phát huy tài năng của họ. Thực tế thời gian qua, TP Hà Nội đã trải “thảm đỏ” chào đón những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Đã có hàng trăm người được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố và Hà Nội vẫn luôn là nơi hội tụ nhân tài.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách toàn diện, việc tuyển dụng nhân tài nói chung, tuyển dụng công chức, viên chức nói riêng hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn mang nặng tính hành chính. Môi trường làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị, cũng như chính sách đãi ngộ chưa đủ sức thu hút, ràng buộc và phát triển tài năng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nói rằng, "chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở". Những người thật sự có tài năng, có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn đa số người khác. Do đó để có được tài năng thì ngoài các chính sách "thu hút", cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố "trọng dụng". Cần gỡ bỏ cơ chế hành chính nặng nề để tạo ra môi trường làm việc cởi mở và có chế độ đãi ngộ tương ứng với hiệu quả công việc…
Ở một khía cạnh khác, hiện nay nhiều sinh viên ra trường chưa mặn mà với các chính sách ưu đãi của thành phố vì một lẽ đơn giản, họ có những cơ hội khác để phát triển sự nghiệp. Đây cũng là xu hướng tất yếu. Việc những người tài chọn cho mình môi trường làm việc tốt, có khả năng phát huy tài năng, phát triển sự nghiệp, có mức lương tương xứng… là bình thường.
Để phát triển Thủ đô trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế tri thức, chúng ta cần có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những lao động có năng lực, trách nhiệm, năng động, sáng tạo… Và để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển của thành phố, chúng ta không chỉ xây dựng các cơ chế "thu hút" mà còn phải định hình phương pháp "trọng dụng" ở từng cơ quan, đơn vị.
Với những kinh nghiệm được đúc rút sau nhiều năm trải "thảm đỏ" thu hút nhân tài, cùng với việc vận dụng đặc thù đã được quy định trong Luật Thủ đô, hy vọng chính sách trọng dụng nhân tài của Hà Nội sẽ ngày càng hoàn thiện, có sức hấp dẫn với những tài năng.
"Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở", để thu hút, sử dụng nhân tài, tạo nguồn lực mới cho Thủ đô Hà Nội, nhất thiết phải có tư duy mới và những cơ chế mới.