Thêm lực hút với tài năng trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 07:49, 27/08/2016
Thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố tại lễ tuyên dương năm 2015. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, chỉ khoảng 10% thủ khoa xuất sắc về “đầu quân” cho các cơ quan, đơn vị của thành phố. Để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội cần có những chính sách mới để những tài năng trẻ có thêm sự lựa chọn, góp sức xây dựng Thủ đô.
“Thảm" đã trải, vì sao vẫn ít người “đi”?
Để thu hút nhân tài, những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND TP Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, thủ khoa xuất sắc, nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ như: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm công tác kể từ thời điểm quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ điều kiện học tập hằng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu và hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu, nếu làm luận án tiến sĩ được hỗ trợ 80 lần mức lương tối thiểu…
Chính sách đãi ngộ là vậy, thế nhưng theo thống kê của Sở Nội vụ, 14 năm liên tiếp thành phố đã vinh danh 1.533 thủ khoa xuất sắc, nhưng chỉ có 147 trong số họ được tuyển dụng vào các sở, UBND quận, huyện, thị xã của thành phố. Vì sao vậy? Trước thềm lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2016, Đinh Nho Minh, thủ khoa Học viện Chính sách phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: "Em rất cảm động vì điều kiện còn khó khăn, nhưng thành phố đã dành nhiều ưu đãi để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, em chưa muốn đi làm ngay mà phấn đấu đi du học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, sau đó nếu điều kiện phù hợp sẽ về Việt Nam công tác”. Suy nghĩ của Đinh Nho Minh giống với nhiều thủ khoa khác khi được hỏi, đều khẳng định sẽ dành thời gian tiếp tục học hành, rèn luyện bản thân, để tự tin hơn... Cũng có thủ khoa không chọn “thảm đỏ” của thành phố vì muốn tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn những chính sách ưu đãi mà thành phố đang áp dụng.
Sẽ có thêm nhiều chính sách mới thu hút nhân tài
Trả lời câu hỏi: Số thủ khoa sau tuyên dương sẽ đi đâu? - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết: Nhiều em đã nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Dù Hà Nội có chính sách trọng dụng nhân tài, nhưng không có nghĩa là tất cả thủ khoa xuất sắc sẽ làm việc tại Hà Nội. Nhiều em sẽ quay về làm việc tại địa phương hoặc ở lại trường làm giảng viên. “Dù các em đi đâu, làm việc hay du học cũng là đem trí tuệ và sức trẻ cống hiến, làm rạng danh cho quê hương đất nước, nên tôi nghĩ rằng không phải cứ là thủ khoa của Hà Nội thì phải làm việc ở Hà Nội” - Phó Bí thư Thành đoàn nói.
Cùng quan điểm này, Trưởng phòng Đào tạo Bồi dưỡng (Sở Nội vụ) Tạ Quang Ngải cho rằng: “Thủ đô Hà Nội luôn chào đón thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện về làm việc. Tuy nhiên, các em có quá nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn (đi du học, ở lại trường làm giảng viên, vào làm tại các cơ quan trung ương, về địa phương công tác…) nên số lượng về Hà Nội ít chứ không phải do chính sách đãi ngộ của thành phố chưa đủ”. Thực tế, đa số các em đều được tuyển dụng nếu có nhu cầu.
Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp. Khẳng định đề án này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút tài năng trẻ, Trưởng phòng Đào tạo Bồi dưỡng (Sở Nội vụ) Tạ Quang Ngải cho biết: “Khi đề án này được triển khai thực hiện, Hà Nội sẽ chào đón tất cả các em thủ khoa xuất sắc của các năm, kể cả từ năm 2003. Dù các em đã đi làm ở các nơi đều có thể quay về đăng ký ở Sở Nội vụ để tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao hoàn toàn miễn phí”. Dự kiến, tháng 9-2016 dự thảo Đề án sẽ trình UBND thành phố, nếu được thông qua, sẽ triển khai ngay trong quý III-2016.
Có thể thấy, để thu hút tài năng trẻ về làm việc tại các cơ quan, ban, ngành của thành phố cần rất nhiều yếu tố (điều kiện làm việc, cơ chế phát triển, tiền lương…), còn việc đào tạo chỉ là một khía cạnh. Song, trước thực tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn cao thì dự thảo Đề án thực sự là một điểm nhấn mới đáng quan tâm trong chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của TP Hà Nội.
Theo Sở Nội vụ, từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ đến nay, thành phố tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 147 thủ khoa, 57 tiến sĩ và thạc sĩ, 27 văn nghệ sĩ và 37 vận động viên xuất sắc đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Trong số tài năng trẻ, 19 thủ khoa xuất sắc được hỗ trợ 20 tháng lương tối thiểu theo Nghị quyết số 14; gần 20 cán bộ, viên chức, công chức được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng, ban chuyên môn trở lên. Số tài năng trẻ trong diện thu hút tuyển dụng có đủ điều kiện tiêu chuẩn về năng lực, trình độ được quy hoạch là cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng đáng kể trong một vài năm gần đây. |