Việt Nam thành 'vùng trũng' tiêu thụ hàng hóa Đông Nam Á
Kinh tế - Ngày đăng : 15:17, 27/08/2016
Nguy cơ nêu trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cuối tuần này. Cụ thể trong lĩnh vực ôtô, thuế chưa giảm về 0% theo cam kết gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhưng Thái Lan đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam.
Trước đó, số liệu được cập nhật tới tháng 7/2016 từ phía Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước ASEAN là 22,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu sang các nước đạt gần 9,6 tỷ USD, giảm 12,3%, trong khi nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam hơn 13,2 tỷ USD, giảm 5,1%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lo lắng trước việc doanh nghiệp, hàng hóa Việt yếu thế trong AEC. |
“AEC là thỏa thuận về một thị trường thống nhất, nhưng mới 7 tháng gia nhập, Việt Nam đang trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Thái Lan đã kịp soán ngôi Trung Quốc, Hàn Quốc là nhà xuất khẩu ôtô nhiều nhất vào Việt Nam. Ấn Độ đang là đối thủ tiềm năng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Số liệu của cơ quan quản lý cho thấy trong số 3,6 tỷ USD thâm hụt thương mại nội khối ASEAN của Việt Nam thì nhập siêu lớn nhất là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dư với Lào, Campuchia, Myanmar khoảng vài chục triệu USD.
Phó thủ tướng đặt câu hỏi hướng về phía thành viên Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế: “Liệu rủi ro này có tiếp tục kéo dài hay không. Việt Nam phải làm gì để ứng phó với tình hình này để không trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước ASEAN?”. Ông cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tập trung nghiên cứu, phân tích rủi ro và lên phương án ứng phó, tránh rủi ro kéo dài.
Trước đó, đánh giá về tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA), Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam vì phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam.
Trong khi đó, dù đã có nhiều Hiệp định thương mại được ký kết nhưng khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp trong nước chưa rõ ràng. Lâu nay doanh nghiệp vẫn quen với tập quán làm ăn “ngồi nhà chờ đối tác tới mua hàng”, không quan tâm tới việc cắt giảm, ưu đãi thuế ở thị trường nước ngoài do phó mặc cho thương nhân làm trung gian. Ngược lại, trong khi doanh nghiệp nội vẫn “lơ ngơ” với các cơ hội mà FTA mở ra thì khối doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt.
“Doanh nghiệp nội vẫn quen nhờ “quan hệ để có hợp đồng” nên ít tiến ra thị trường nước ngoài tìm kiếm đối tác. Vì thế, khả năng nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại đem lại không rõ rệt”, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về thương mại quốc tế thẳng thắn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh, làm ăn bài bản đầu tư ra nước ngoài như các doanh nghiệp Vinamilk, TH True Milk, Minh Phú, Vĩnh Hoàn…
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng phải chú trọng năng lực cạnh tranh từng sản phẩm, từng ngành nghề thì Việt Nam mới đủ sức tham gia cuộc chơi hội nhập. "Không nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân chơi ASEAN, chưa nói khi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực", Thứ trưởng Phương bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Trần Quốc Khánh, trong tương lai, nếu có đàm phán thêm các hiệp định tự do thương mại thì phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đàm phán và nguyên tắc là Việt Nam cần được “ứng xử” đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển; lựa chọn các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho ta.
Thực tế, một số thị trường đã ký kết như Nhật, Hàn Quốc có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam đã góp phần cân bằng lại hoặc thu hẹp cán cân thương mại với các quốc gia này.