Thông tin - Truyền thông góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 28/08/2016

(HNM) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, Bộ Thông tin tuyên truyền của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập.

Trải qua 71 năm, sau nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với thực tiễn cách mạng, Ngành Thông tin - Truyền thông (TT-TT) nói chung và TT-TT Thủ đô nói riêng đã không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ghi nhận những đóng góp này, đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chọn ngày 28-8 hằng năm là Ngày truyền thống của Ngành TT-TT.

Bước vào giai đoạn đổi mới, Ngành Bưu điện nói chung và Bưu điện Thủ đô đã đi đầu, góp phần thực hiện thành công các giai đoạn tăng tốc chiến lược của ngành. Toàn ngành tiến vào thời kỳ “Hội nhập và phát triển” với nhiệm vụ chiến lược “Phát huy tối đa nội lực, tạo môi trường cạnh tranh, sâu rộng để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng năng lực mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), hạ giá thành để chủ động hội nhập quốc tế”. Công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản Thủ đô khẳng định rõ vai trò là công cụ đắc lực của Đảng và chính quyền thành phố, là diễn đàn của nhân dân trong công cuộc giữ vững ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa sự nghiệp kinh tế văn hóa của Thủ đô phát triển.

Các cơ quan báo chí Hà Nội luôn đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Ảnh: Thái Hiền


Để phù hợp với điều kiện phát triển, đến năm 2008 Sở TT-TT Hà Nội được thành lập trên cơ sở của Sở Bưu chính viễn thông tiếp nhận đồng thời bộ phận báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngành TT-TT bước sang giai đoạn mới, quản lý toàn diện trên 5 lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Ngành TT-TT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố xây dựng, triển khai nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách. Công tác quản lý nhà nước đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 5 lĩnh vực, qua đó tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành phát triển, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô, đất nước.

Lĩnh vực TT-TT ngày càng được đổi mới nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tuyên truyền có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô, đất nước. Các cơ quan báo chí Hà Nội cơ bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô. Công tác thông tin đối ngoại được chú trọng, tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước con người Thủ đô với bạn bè quốc tế và tích cực tuyên truyền đấu tranh giữ vững chủ quyền đất nước. Việc quản lý xuất bản có nhiều đổi mới, Sở TT-TT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc…

Sở TT-TT đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 8.000 trạm thu phát sóng di động tích hợp công nghệ 2G và 3G; hệ thống internet đã kết nối đến 100% xã, phường. Việc quản lý kinh doanh dịch vụ internet, thuê bao di động trả trước, chống thư rác, hoạt động quảng cáo rao vặt... được quan tâm, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, được xã hội đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, việc sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi, quản lý duy trì vận hành hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung được tích cực triển khai, góp phần có hiệu quả trong việc chỉnh trang môi trường đô thị thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước của thành phố đang được đẩy mạnh, làm thay đổi nhận thức cũng như tác phong làm việc, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã góp phần tích cực vào cải cách hành chính của thành phố. Đặc biệt, từ năm 2016, công tác ứng dụng CNTT được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất về cơ sở hạ tầng. Đến nay, đã triển khai phần mềm trực tuyến tuyển sinh đầu cấp phục vụ cho 600.000 học sinh và 1.997 trường học trên địa bàn; khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường tại 168 phường thuộc 12 quận, chuẩn bị triển khai tại các xã thuộc 18 huyện, thị xã... Lĩnh vực công nghiệp CNTT cũng có những khởi sắc. Ngành công nghiệp CNTT Thủ đô đã từng bước tạo lập được thương hiệu của mình trên bản đồ CNTT thế giới với vị trí trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm, đang phấn đấu vào tốp 10 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm…

Với những nỗ lực và sự phấn đấu không ngừng, những năm qua nhiều tập thể, cá nhân của Ngành TT-TT Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước - đó là sự ghi nhận những đóng góp của Ngành TT-TT Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Châu Anh