Giải pháp nào để giảm thiểu ách tắc giao thông?
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 14:24, 29/08/2016
Thị trưởng Jakarta đã thừa nhận tình trạng giao thông “khủng khiếp tại đây” và cho rằng giải pháp cốt lõi của vấn đề này chính là giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt.
Đây là bài toán cần giải quyết trong vòng 30 - 40 năm tới. Jakarta đang xây dựng hệ thống đường sắt ngầm, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cuối thập kỷ này với quy mô 220.000 hành khách mỗi ngày tại một khu thị trấn nhỏ.
Những dự án khác - bao gồm cả công cộng và tư nhân - cũng đang được triển khai. Trong một khu siêu đô thị với hơn 24 triệu dân sinh sống và làm việc, định hướng sử dụng xe buýt tốc hành hay hệ thống xe chung nhờ ứng dụng kỹ thuật số đang được ưa chuộng và xuất hiện một cuộc cạnh tranh ngầm. Người chiến thắng trong cuộc đua này nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ từ những người Jakarta muốn tiết kiệm thời gian về nhà sau giờ làm việc mà còn cả các chuyên gia phát triển giao thông trên toàn thế giới.
Một người phụ xe cố gắng tìm đường dẫn chiếc xe buýt vào bến đỗ trong giờ cao điểm tại Jakarta, Indonesia. |
Giao thông không đơn thuần là việc di chuyển từ địa điểm A đến địa điểm B. Đây chính là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống. Tầm quan trọng của giao thông nằm trong chính sự phát triển kinh tế, xã hội và y tế. Giao thông công cộng chính là xương sống của phát triển bền vững.
Thực tế, việc vận chuyển người và hàng hóa từ nơi này sang nơi khác là một trong những hoạt động gây ô nhiễm nhất thế giới, đồng thời cũng khiến chính phủ các nước đau đầu tìm giải pháp cắt giảm khí thải nhà kính.
Kể từ lần đầu được áp dụng vào những năm 1970 tại Brazil, hệ thống xe buýt tốc hành (BRT) đã được công nhận là một trong những giải pháp hiệu quả, rẻ tiền và có khả năng giải quyết nạn tắc đường thành thị. Các khái niệm như làn xe buýt chuyên dụng, kiểm tra vé trước khi lên xe, nhiều cửa ra vào, hiện đại... đã trở nên quen thuộc kể từ khi hệ thống ở Colombia đi vào hoạt động. Đây vẫn là một trong những mô hình hiện đại và hiệu quả nhất thế giới. Cho tới nay, đã có khoảng 206 hệ thống tương tự được xây dựng trên toàn thế giới.
Mặc dù Transjakarta với 201km chuyên dụng và 210 trạm là hệ thống lớn nhất tại châu Á, nhưng tỷ lệ phục vụ vẫn chiếm con số tương đối nhỏ so với dân số Jakarta - khoảng 360.000 hành khách mỗi ngày. Bên cạnh đó, dù 90% các làn xe buýt đều tách biệt với các tuyến đường khác, việc lấn làn hoặc ách tắc tại các giao lộ cũng khiến hệ thống này hoạt động kém hiệu quả hơn.
Cho đến khi các tuyến tàu điện ngầm được hoàn thiện, những con người bận rộn sẽ phải dựa vào GO-JEK – một hệ thống xe chung sử dụng phần mềm điện thoại thông minh tương tự như Uber hay Lyft. Luồn lách qua các tuyến đường đông đúc chật chội trên một chiếc xe máy nhỏ có thể tiết kiệm một nửa thời gian với giá gấp khoảng 6 lần chi phí xe buýt. Đây là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều người.
Người dân sử dụng xe máy tại vùng ngoại ô Jakarta, Indonesia. |
Một chiếc xe máy vận chuyển hành khách thuộc hệ thống GO-JEK. |
Hiện nay, khoảng một nửa dân số Jakarta di chuyển bằng xe máy, mặc dù không phải tất cả đều thuộc hệ thống GO-JEK. Trong khi đó, chỉ có khoảng 13% dân số đi làm bằng các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, khi hệ thống xe buýt tốc hành mở rộng vùng “phủ sóng” và có tính kết nối vùng miền cao hơn, con số 13% sẽ tiếp tục tăng lên trong khi chờ đợi hệ thống tàu điện ngầm chính thức được đưa vào hoạt động.
Trong cuộc cạnh tranh vận chuyển hành khách đang bùng nổ tại các thành phố lớn, BRT chính là giải pháp trung hạn, còn GO-JEK hoặc taxi tập thể là giải pháp trước mắt bởi nó không có khả năng làm giảm thiểu đáng kể mật độ tham gia giao thông.
Người dân sẽ tự nguyện sử dụng nếu thực sự thấy được lợi ích và sự thuận tiện của các phương tiện công cộng. Đây là một thách thức, nhưng cũng là việc vô cùng quan trọng để đưa các phương tiện vận chuyển có hệ thống trở thành hình thức giao thông chính.