Bài đầu: “Góc riêng” trong tâm hồn Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:24, 29/08/2016

(HNM) - “Ngàn năm bút mặc giang hồ, có về Hà Nội cơ đồ mới nên”, câu ca ấy như một lời khẳng định: Hà Nội là “đất văn chương”, nơi hội tụ văn sĩ, trí thức khắp mọi miền cả nước.


Bài đầu: “Góc riêng” trong tâm hồn Hà Nội

Cứ ngỡ, nhịp sống hiện đại cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin sẽ làm phôi pha, xói mòn thói quen đọc sách ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, nhưng không, đâu đó trong 36 phố phường, những quán sách khiêm nhường, những phố sách nối dài vẫn hiện hữu, minh chứng cho văn hóa và cả phong cách đọc truyền thống như nét riêng trong tâm hồn mỗi người Hà Nội.

Bạn đọc tìm mua sách cũ tại một cửa hàng trên phố Đinh Lễ. Ảnh: Thái Hiền


Phố nhỏ, quán nhỏ...

Không giống với những con phố khác quanh Hồ Gươm, phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm) giữ cho mình sự “náo nhiệt” theo một cách rất riêng. Đã từ lâu, nơi đây được coi là “thủ phủ" của sách, điểm đến của những người yêu sách không chỉ bởi “tuổi đời, tuổi nghề” mà còn từ những câu chuyện thú vị, những khám phá mới mẻ ở con phố nhỏ mà bất kỳ ai, đã yêu và quan tâm đến, đều có thể tìm thấy cho riêng mình.

Con phố vỏn vẹn vài trăm mét nhưng hiện diện tới 30 tiệm sách, chưa kể những quán nhỏ nằm sâu trong ngõ với lối đi mát lạnh rêu phong hay cheo leo như những tổ chim trong một nhà cũ. Tập trung hàng triệu ấn phẩm với đủ mọi thể loại từ văn học, kinh tế, xã hội đến lịch sử, triết học…, những cuốn sách mới xuất bản hay đã ra đời thuở “xa lắc, xa lơ" với bất kể không gian nào, một khi đã đặt chân vào, khách hàng khó tránh khỏi cảm giác choáng ngợp trước khối tri thức khổng lồ được xếp tầng tầng, lớp lớp trên những kệ gỗ len kín, sắp đặt vừa đủ cho hai người nghiêng bước tránh nhau. Điểm thú vị khác ở phố sách Đinh Lễ còn là bầu không khí đặc biệt mà không một điểm bán buôn nào có được. Dù tấp nập khách vào ra mỗi ngày đủ mọi thành phần, lứa tuổi cùng nhu cầu tìm kiếm khác nhau nhưng các gian hàng luôn yên tĩnh, trật tự lạ thường. “Tín đồ” sách tìm đến đây với mục đích duy nhất là đắm mình vào thế giới rộng lớn của tri thức trong khi người bán, người mua giữ nếp quen, chỉ trao đổi thông tin vừa đủ, tránh ảnh hưởng tới sự tập trung, chăm chú của người xung quanh. Nhìn những dòng người tìm đến phố sách mỗi ngày, phần nào có thể cảm nhận được rằng, tình yêu sách, thói quen đọc sách vẫn luôn hiện hữu trong đời sống người Hà Nội.

Bà Phạm Thị Mão, chủ hiệu sách số 5 Đinh Lễ, người có thâm niên bán sách lâu nhất trên con phố này cho biết: “Hơn 40 năm tích góp, từ một quầy sách nhỏ, tôi có được 3-4 gian hàng. Tìm tới hàng sách không chỉ là người trung niên hay cao tuổi, có nhiều gia đình 3-4 thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cái… đều là khách quen của tôi. Không ít người từ thời học sinh, sinh viên đã đến mua sách tại cửa hàng, đến lúc công tác nơi xa, mỗi khi có dịp vẫn tìm về, chuyện trò, hỏi han, kiếm sách. Nhiều người say mê ngồi xem cả buổi không ăn, không nghỉ... Đây chính là lý do khiến tôi tự tin, dù có thăng trầm, người Hà Nội chẳng bao giờ quay lưng với sách”.

Không riêng phố Đinh Lễ, Hà Nội còn nhiều con đường, tuyến phố đã và đang là điểm hẹn của những người yêu sách Thủ đô như phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí…; đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng…, chưa kể những tiệm sách nhỏ xinh vẫn ẩn hiện thấp thoáng trên nhiều con phố. Dẫu nhỏ bé, khiêm nhường, mỗi địa chỉ đều mang trong mình những nét riêng có, những câu chuyện bất ngờ, cảm động, càng lưu tâm tìm hiểu, người yêu sách càng thấy trân trọng, yêu thương.

...và những người yêu sách

Ngôi nhà số 5 Bát Đàn là trung tâm lưu trữ sách của ông Phan Trác Cảnh, người sở hữu hàng vạn đầu sách, trong đó nhiều ấn phẩm có tuổi tới cả trăm năm. Để có được “cơ đồ” như hôm nay, hơn hai mươi năm qua, ông Cảnh dành trọn tâm huyết cho việc tìm kiếm, sưu tầm sách cũ. Ông tâm sự: “Sách quý trước hết nhờ giá trị nội dung nó chuyển tải. Gặp được người thấu hiểu, giá trị ấy càng tăng gấp bội. Đây chính là lý do tôi theo đuổi công việc sưu tầm sách, vừa phục vụ bản thân vừa chia sẻ cộng đồng. Còn người biết yêu, biết trân trọng sách, tôi còn theo đuổi tâm nguyện này”. Để duy trì hoạt động sưu tầm, ngoài việc tằn tiện chi tiêu, ông Cảnh còn bán sách cũ cho những người có nhu cầu nhưng không phải đầu sách nào cũng bán. Chính vì thế, tiệm sách của ông tồn tại giống như một thư viện, chứ không phải là nơi bán sách. Và nhiều năm qua, đây là điểm đến của không chỉ người yêu sách mà cả những nhà nghiên cứu, những người muốn tra cứu thông tin, trang bị thêm kiến thức hay những người muốn trò chuyện, đàm đạo cùng ông. Ông Cảnh luôn tâm niệm “sách chỉ thực sự tốt khi đến được với người cần nó”.

Một điểm đến khác ở Hà Nội là hiệu sách 108B Bà Triệu, nơi thú săn lùng, ngắm lựa sách cổ vẫn được duy trì mặc cho nhịp sống ồn ã, xô bồ chỉ cách đó một hàng hiên. Gìn giữ thói quen thanh nhã và thi vị ấy là ông Lương Ngọc Dư, chủ hiệu sách, người đã dành cả đời cho việc tìm tòi, sưu tầm sách cổ. Trong cửa hiệu có diện tích hạn chế của ông, sách được xếp lớp từ sàn tới trần nhà, tưởng như chẳng theo một quy tắc nào. Thế nhưng, chỉ cần có người hỏi, ông sẽ nhanh chóng đưa ra đúng cuốn cần tìm. Khác với những hiệu sách cũ thường ôm đồm “thượng vàng hạ cám”, hiệu sách ông Dư chỉ cung cấp những ấn phẩm quý hiếm, không có chỗ cho sản phẩm giải trí, đại trà. Ông tâm sự: “Chỉ cần nhìn lượng khách, lui tới hiệu sách này mỗi ngày, sẽ thấy người Hà Nội còn mặn mà với sách ra sao, văn hóa đọc còn hiển hiện trong đời sống người Hà Nội như thế nào. Tôi tâm niệm công việc của mình không chỉ để thỏa mãn tình yêu sách của bản thân mà còn góp phần gìn giữ, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giúp người đọc có được những tác phẩm chất lượng nhất”.

Những câu chuyện của bà Mão, ông Cảnh, ông Dư… chỉ là một vài ví dụ cho niềm yêu sách, sức sống của văn hóa đọc hiện hữu trong đời sống người Hà Nội. Còn nhiều hành động, việc làm khác đã và đang thể hiện khát vọng tiếp nhận tri thức, ý thức bồi đắp văn hóa đọc trong cộng đồng. Đâu đó trong 36 phố phường Hà Nội hay những vùng ngoại thành xa xôi vẫn tồn tại những câu lạc bộ yêu sách với hàng trăm hội viên đủ thành phần, lứa tuổi; những “tủ sách không khóa” mỗi ngày một lan tỏa trong cộng đồng, trở thành điểm kết nối những người yêu sách với nhau; mô hình thư viện tại gia, mở cửa miễn phí cho những người muốn tiếp cận sách hay… hoặc những diễn đàn trao đổi sách cũ với hàng trăm kết nối vẫn rộn ràng trên mạng mỗi ngày. Bằng cách này hay cách khác, người Hà Nội vẫn dành cho văn hóa đọc một “góc riêng”. Dù đời sống có phát triển tới mức nào, công nghệ thông tin có ưu việt ra sao, nét văn hóa ấy vẫn tiếp tục được gìn giữ, trao truyền bởi đơn giản đây là món ăn tinh thần không dễ gì thay thế và còn là truyền thống, nếp sinh hoạt gắn bó lâu đời, góp phần bồi đắp phong cách người Hà Nội.

(Còn nữa)

Song Thủy