Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 29/08/2016
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Học, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết tình hình thành lập DN từ đầu năm đến nay?
- Trong 7 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) cho 13.550 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 114.175 tỷ đồng, tăng 24% về số lượng và 54% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; nâng tổng số DN trên địa bàn TP Hà Nội lên 199.296 đơn vị. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một DN đạt 8,4 tỷ đồng. Tổng số hồ sơ trực tuyến giải quyết trong 7 tháng qua chiếm tỷ lệ 6% tổng số DN thành lập mới. Riêng thời điểm cuối tháng 7, tỷ lệ hồ sơ qua mạng đã đạt 31% số lượng hồ sơ cần giải quyết. Tại các phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD), bình quân tiếp nhận 500 lượt hồ sơ/ngày. Nhìn chung, hoạt động ĐKKD trên địa bàn diễn ra sôi động, đồng nghĩa với một lượng vốn trong dân được huy động, phục vụ mục tiêu sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm, nguồn thu cho xã hội.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh |
- Công tác cải cách hành chính, phục vụ DN đóng vai trò thế nào đối với kết quả trên? Những đổi mới trong các công đoạn nghiệp vụ là gì?
- Luật DN 2014 đã tạo ra những thuận lợi bước đầu cho các DN nhờ thủ tục hành chính thông thoáng. Với sự quan tâm của thành phố, việc ĐKDN bảo đảm sự thông suốt, thuận lợi cho cộng đồng DN. Phương thức ĐKDN qua mạng đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhận thức của cán bộ, công chức, người dân cũng như DN, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ cuối năm 2014, Sở đã đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận phương án phối hợp giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế, giảm thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, trước thời điểm Luật DN có hiệu lực 6 tháng. Sở cũng đã xây dựng phương án “Đẩy mạnh đăng ký DN qua mạng điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội”, nhằm nâng tỷ lệ ĐKDN qua mạng; giảm thời gian giải quyết hồ sơ ĐKDN qua mạng từ 3 ngày xuống còn 2 ngày, nhằm khuyến khích các DN thực hiện hình thức đăng ký này. Từ 12-7-2016, việc cấp mã số thuế tự động đã chính thức thực hiện trên địa bàn thành phố, với thời gian phản hồi về mã số thuế từ cơ quan thuế sang cơ quan ĐKDN chỉ còn 30 phút.
- Một trong những yêu cầu của thành phố là khơi dậy nguồn lực, thu hút đầu tư một cách hiệu quả nhất. Vậy thành phố cần làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?
- Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định phải làm tốt việc cải cách thủ tục, hỗ trợ DN. Sở phấn đấu đạt được những mục tiêu: 100% hồ sơ ĐKDN được giao dịch qua mạng điện tử. Trước mắt, không thu lệ phí đối với trường hợp ĐKDN qua mạng; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tổ chức, công dân, phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ ĐKDN đúng hạn từ 98% trở lên. Chủ động thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối trong đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
- Ông có thể phác họa bức tranh DN Thủ đô năm 2016? Sở cần làm gì để khắc phục hạn chế?
- Có thể thấy từ khi triển khai thi hành Luật DN, việc ĐKDN đã tạo được thuận lợi bước đầu; thủ tục hành chính về ĐKDN thông thoáng, minh bạch nên số lượng DN đăng ký thành lập tăng nhanh từ đầu năm đến nay và cũng là xu thế chung của cả năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội phấn đấu có 200.000 DN thành lập mới.
Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận diện một số hạn chế như: Chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền tới người dân và DN hiểu rõ quyền và nghĩa vụ. Việc giao ban, đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan thành phố và cấp huyện trong quản lý nhà nước về ĐKDN chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra DN sau đăng ký thành lập mới tập trung vào việc xử lý đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật, mà chưa làm thường xuyên được nhiệm vụ hỗ trợ DN, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc DN chấp hành các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN đối với DN trong các trường hợp vi phạm theo quy định còn hạn chế…
Sở đã và đang triển khai một số giải pháp trọng tâm như phối hợp với các đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy trình đăng ký theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn. Duy trì các hội nghị tư vấn, trợ giúp pháp lý cho DN. Phát huy hơn nữa vai trò hướng dẫn của Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Sở; tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách mới, các thủ tục hành chính trên phương tiện truyền thông; tuyên truyền về ĐKDN qua mạng; phát hành tờ rơi, cẩm nang hướng dẫn thực hiện quy trình ĐKDN qua mạng... Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm phẩm chất đạo đức và kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức.
- Xin cảm ơn ông!