Bài 2: Giáo dục kỹ năng sống: Một “nhà” khó lo
Giáo dục - Ngày đăng : 06:58, 30/08/2016
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, xây dựng ý thức trách nhiệm công dân với cộng đồng cho học sinh (HS) phổ thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học này. Song, nếu nhiệm vụ này chỉ riêng nhà trường đảm nhận thì chưa đủ.
Nội dung bắt buộc với học sinh
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của Ngành Giáo dục - Đào tạo hướng tới mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Để thực hiện chủ trương ấy, thì nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu được toàn ngành tập trung triển khai trong năm học 2016-2017 là đổi mới phương pháp giảng dạy từ chủ yếu cung cấp kiến thức sang hỗ trợ phát triển năng lực, phẩm chất của người học, coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Hà Nội, với sứ mệnh và vị thế quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước, đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cần ưu tiên tập trung trong giai đoạn này, nhằm hình thành những công dân tương lai phát triển toàn diện cả đức, tài. Điều này được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của Ngành GD-ĐT Thủ đô giữa tháng 8 vừa qua. Qua những lời chia sẻ của vị lãnh đạo thành phố, có thể thấy rõ mối trăn trở, lo lắng về thực trạng giáo dục đạo đức cho HS hiện nay. Điều ấy đã được thể hiện bằng quyết tâm của Hà Nội khi quyết định xây dựng một trung tâm giáo dục kỹ năng sống dành cho HS Thủ đô, dự kiến được triển khai ngay trong tháng 9 tới, với đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực... Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đây là những yếu tố chúng ta còn đang thiếu, việc làm này là cấp thiết, cần ưu tiên, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn mới. Giáo dục kỹ năng sống sẽ là nội dung bắt buộc với mọi HS phổ thông. Thành phố sẽ dành nguồn lực xứng đáng để tạo ra một không gian cho HS được trải nghiệm, có cơ hội rèn luyện kỹ năng.
Cần có sự quan tâm đúng mức
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho HS chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu nên vẫn còn một bộ phận HS vi phạm pháp luật, đạo đức sống, còn những trường hợp đáng tiếc xảy ra do thiếu kỹ năng sống...
Vài năm gần đây, giáo dục kỹ năng sống đã được lồng ghép, tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường và ngày càng phát huy ý nghĩa, giá trị trong quá trình hình thành nhân cách, lối sống của HS. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi từ thực tế, giáo dục kỹ năng sống vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía các nhà trường và phụ huynh HS. Việc học văn hóa vẫn là yêu cầu cơ bản của đa số thầy cô giáo và cha mẹ HS. Hầu hết các ông bố, bà mẹ đều cảm thấy không vui khi con được điểm 5 môn toán, nhưng ít ai tỏ ra không hài lòng khi con bỏ buổi hoạt động ngoại khóa của trường.
Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của Bộ GD-ĐT cũng xác nhận: Việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS chưa đạt hiệu quả có nguyên nhân từ sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm đúng mức. Có thể thấy điều này qua hoạt động của Phòng Tư vấn tâm lý tại các nhà trường trong thời gian qua. Cách đây gần chục năm, mô hình này xuất hiện ở một vài trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội và đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ, định hướng và trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng giải quyết các sự cố, tình huống có vấn đề trong cuộc sống. Đến nay, mô hình này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, nhiều trường học không thể duy trì được hoạt động do không có kinh phí chi trả cho cán bộ tham vấn, mua sắm trang thiết bị cần thiết; còn phụ huynh thì chưa mấy người quan tâm đến nội dung này ở trường học của con.
Rõ ràng, đã đến lúc phải quyết liệt với vấn đề có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến việc hình thành phẩm chất, năng lực của con người giai đoạn mới theo mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
(Còn nữa)