Cấm hay không cấm mặc burkini: Cuộc tranh cãi chưa thể “hạ màn”
Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 30/08/2016
Thực tế, Villeneuve-Loubet chỉ là một trong khoảng 30 thành phố ven biển của Pháp ban hành lệnh cấm mặc loại trang phục này. Như vậy, động thái trên của Tòa án Hành chính tối cao Pháp có thể mở đường cho việc tiếp tục đình chỉ lệnh cấm tương tự trong thời gian tới.
Burkini, bộ đồ bơi châm ngòi cho những tranh cãi trong xã hội Châu Âu mùa hè này. |
Không ít nhà chính trị Pháp đã lên tiếng ủng hộ quy định cấm mặc burkini ở các bãi biển, với lập luận việc che phủ toàn bộ khuôn mặt hoặc mặc trang phục che kín người trên các bãi biển là không phù hợp với các quan hệ xã hội tại quốc gia này. Ngoài ra, việc mặc burkini có thể tạo cơ hội cho các vụ đánh bom liều chết gia tăng. Tổng thống Pháp Francois Hollande, dù không thể hiện thái độ phản đối việc sử dụng trang phục này song đã gián tiếp nói rằng người dân cần tôn trọng lệnh cấm của chính quyền các địa phương. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng việc mặc đồ bơi burkini là không phù hợp với các quy chuẩn ứng xử của Pháp cũng như với nền cộng hòa của quốc gia này.
Tại Bỉ, cuộc tranh cãi liên quan tới phụ nữ Hồi giáo mặc đồ bơi burkini trên bãi biển cũng không kém phần gay gắt với nhiều phản ứng trái chiều. Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Flamand (N-VA) muốn cấm trang phục này ở bể bơi cũng như trên các bãi tắm. Nhiều ý kiến cho rằng, burkini là "dấu hiệu phục tùng" của phụ nữ và cho phép điều này có nghĩa là đặt phụ nữ ở bên lề xã hội. Hiện tại, ở thủ đô Brussels, duy nhất bể bơi Victor Boin ở quận Saint-Gilles cho phép phụ nữ mặc burkini, còn lại đều cấm với lý do "bảo đảm vệ sinh".
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Pháp, lệnh cấm burkini là không cần thiết và họ cho rằng không có mối liên hệ giữa trang phục này và khủng bố như “lo xa” của nhà chức trách. Một số ý kiến thậm chí khẳng định, lệnh cấm đã vi phạm quyền tự do của công dân và cản trở tự do tín ngưỡng vì phụ nữ theo đạo Hồi chỉ cảm thấy thoải mái trong trang phục kín đáo. Burkini sẽ giúp họ tự tin hơn khi tắm biển. Do đó, phụ nữ Hồi giáo nên được phép mặc những gì họ muốn, miễn là không làm gián đoạn xã hội hoặc sự hòa hợp xã hội.
Thậm chí có người còn cho rằng, cấm trang phục này đồng nghĩa với việc trao cho các nhóm cực đoan một "vũ khí" mới. Thực tế đã chứng minh, Al-Qaeda và IS thường trở nên cực đoan hơn mỗi khi các nước phương Tây có những quyết định mạnh tay để ngăn chặn những tình huống có thể tiếp tay cho những hành động của các thành viên Hồi giáo cực đoan. Đôi khi các đạo luật lại khiến người theo đạo Hồi cảm thấy không được chào đón và khó hòa nhập cộng đồng, thậm chí cho rằng không gian mà người Hồi giáo có thể tự do ăn mặc, sinh sống ở Châu Âu bị thu nhỏ. Từ đó, họ dễ rời xa xã hội để tìm đến với những nhóm cực đoan.
Chưa biết việc đình chỉ lệnh cấm có được áp dụng tại những thành phố còn lại ở Pháp hay không, nhưng chắc chắn cuộc tranh cãi về burkini chưa thể “hạ màn” trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh, Pháp và nhiều nước Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do làn sóng di cư ồ ạt từ các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, Châu Phi. Bên cạnh những mối lo về ngân sách nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này, việc đưa ra những chính sách để người nhập cư có thể hòa nhập được với cuộc sống tại nước sở tại cũng là vấn đề gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo Châu Âu. Chỉ cần một động thái không phù hợp, ngay lập tức nó có thể trở thành “ngòi nổ” hoặc “tạo cớ” cho những bất ổn xã hội ở châu lục vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan tới người di cư.