Song hành tồn tại
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 31/08/2016
Đặt ra câu hỏi đó cũng nhằm mục đích lý giải, vì sao một loạt chợ truyền thống sau khi được cải tạo, xây mới thành chợ - TTTM nhưng rơi vào cảnh đìu hiu, trái với mục đích ban đầu của các cấp quản lý. Và, hướng phát triển sắp tới của các chợ truyền thống sẽ ra sao, cái gì cần điều chỉnh, cái gì cần xóa bỏ?
Phải khẳng định rằng, chủ trương xây TTTM từ nền các chợ cũ là đúng, nhưng khi thực thi lại “có vấn đề”. Yếu tố tiện lợi của chợ hầu như đã bị bỏ qua, thay vào đó là sự bất tiện khi hầu hết tiểu thương phải tự xoay xở bán hàng dưới tầng hầm. Giá thuê ki ốt tốn bạc tỷ, nên giá thành hàng hóa bán ra thiếu sức cạnh tranh, bãi đỗ xe không thuận lợi và giá cao… khiến yếu tố chợ (trong lòng TTTM) “vắng như chùa Bà Đanh”. TTTM cũng chịu chung cảnh ngộ.
Trong khi đó, chợ truyền thống là mô hình duy trì các mối quan hệ xã hội và có yếu tố làm thư giãn tinh thần những người hòa mình vào nó. Chợ là nơi bà nội trợ có thể mua thực phẩm tươi sống với giá phải chăng, điều mà họ khó có thể tiếp cận trong các siêu thị hiện đại. Chợ truyền thống còn được coi là những không gian quý giá bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư… Tuy nhiên, mô hình này hiện mang lại nhiều bất ổn do hạ tầng xập xệ, quản lý lỏng lẻo, nguy cơ cháy nổ cao... đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất đáng báo động.
Theo nghiên cứu từ tổ chức HealthBridge (Canada) về mô hình chợ của Hà Nội cho thấy, khoảng 46% người dân được hỏi nói rằng họ gặp được người quen, bạn bè khi đi chợ; 63% cho rằng các chợ cung cấp những sản phẩm tươi sống với giá rẻ cho nhu cầu hằng ngày của họ… Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giúp các nhà hoạch định xác định rõ hướng đi trong việc phát triển các TTTM trên nền chợ cũ cũng như phát huy được yếu tố văn hóa vốn có tại các chợ truyền thống mà vẫn xóa bỏ được các bất cập hiện có.
Cùng với tiếp tục phát triển hệ thống TTTM, hướng tiếp cận mới mà chính quyền đô thị cần phải quan tâm là rà soát lại các chợ hiện có và kiên quyết xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm; xác định chợ cần được giữ gìn để thực hiện chức năng bán lẻ đa dạng của thị trường thành phố. Đặc biệt, chợ dân sinh cũng cần được bảo vệ khỏi sự xâm nhập của những chuỗi siêu thị toàn cầu. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống chợ sẽ là các giải pháp quản lý, làm sạch chợ thay vì phá dỡ và xây dựng lại. Việc đưa ra một quyết sách hợp lý là vô cùng cần thiết để có thể giữ cho các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… vẫn tồn tại trong lòng thành phố. Khi đã bảo đảm các yếu tố này, có thể xem xét phát triển không gian du lịch, nhằm giới thiệu truyền thống văn hóa bản địa, tương tự như các nước láng giềng hiện nay. Và trên hết, tầm quan trọng về mặt văn hóa xã hội, kinh tế và dinh dưỡng của chợ cần được nhìn nhận đúng.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, cải tạo lại các TTTM theo hướng tổ chức thêm những khu vui chơi dành cho trẻ em nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí cho mọi người; tổ chức thêm những quầy hàng, khu bán hàng thể hiện hồn cốt phiên chợ truyền thống, góp phần cho thế hệ trẻ hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa dân tộc.
Nói tóm lại là cần phải phát triển song hành các TTTM và chợ truyền thống - phần thiết yếu của cuộc sống đô thị - trên cơ sở loại bỏ những bất cập hiện nay. Đây là một quá trình thực hiện lâu dài và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.