Không dễ duy trì chợ nông sản an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 31/08/2016

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động mô hình “Chợ phiên nông sản an toàn” nhằm kết nối cung - cầu thực phẩm sạch trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Mô hình trên nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, tuy nhiên để duy trì lâu dài thì không phải chuyện đơn giản.


Ai cũng được lợi

Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, mô hình “Chợ phiên nông sản an toàn” được Sở giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp xây dựng kế hoạch từ cuối tháng 7-2016. Chỉ sau chưa đầy một tháng, phiên chợ đầu tiên đã được tổ chức với 20 đơn vị tham gia. Tất cả nông sản bày bán tại chợ phiên này đều đạt chứng nhận thực phẩm an toàn.

Chợ phiên nông sản an toàn là một mô hình tốt cần được nhân rộng tại TP Hồ Chí Minh.



Tham quan trực tiếp tại chợ phiên, quy mô ban đầu của chợ là 22 gian hàng bày bán thịt, trứng và các mặt hàng rau củ quả. Ngoài việc kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất, trong khuôn khổ chợ, các cán bộ của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cũng trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua phòng kiểm nghiệm tại chỗ. Tất cả các mặt hàng đều được lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá trước khi được bán cho người tiêu dùng.

Đến chợ phiên nông sản an toàn ngay từ buổi khai mạc, ông Nguyễn Văn Đức (quận 5) cho biết, mặc dù chưa mang về nhà sử dụng nhưng qua cảm quan, ông nhận thấy thực phẩm được bán trong chợ tươi, sạch, hoàn toàn yên tâm khi chợ được các cơ quan chức năng bảo đảm về chất lượng. Hiện ông cũng như gia đình chưa mất niềm tin hoàn toàn vào thực phẩm bán tại các chợ truyền thống, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng khi đi mua hàng. “Tôi mong muốn mỗi quận sẽ có một chợ an toàn thực phẩm như thế này để người dân được tiếp cận thực phẩm sạch, khi đó có phải bỏ thêm chi phí chúng tôi cũng sẵn lòng” - ông Đức chia sẻ.

Không chỉ với người dân, những nhà sản xuất mang nông sản đến bán tại chợ phiên cũng tỏ ra phấn khởi với mô hình này. Chị Nguyễn Thơm (HTX Tân Hiệp, tỉnh Long An) cho biết, khi làm ra sản phẩm sạch thì bản thân mình muốn tiếp cận đến người tiêu dùng. Do đó, khi biết chợ phiên nông sản an toàn được mở chị đã đăng ký tham gia. Không chỉ trong khuôn khổ phiên chợ, sản phẩm rau củ sạch của chị Thơm sẽ được người tiêu dùng biết tới, qua đó mở rộng được thị trường cho nông sản và tăng thu nhập.

Gỡ khó để nhân rộng

Chợ phiên nông sản an toàn tuy mới mở được phiên đầu tiên nhưng cũng đã phát sinh những vấn đề đáng lưu tâm nếu muốn duy trì lâu dài. Theo Ban tổ chức, có 27 đơn vị đăng ký tham gia, nhưng sau khi kiểm tra năng lực cung ứng nguồn hàng và yêu cầu về VietGAP, GlobalGAP hay trong chuỗi cung ứng thực phẩm của thành phố, một số đơn vị chưa đáp ứng đủ các quy định.

Ông Bùi Văn My, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, muốn chợ phiên được duy trì lâu dài, cần phải có được nguồn cung ổn định, do đó cũng cần người sản xuất làm sao để toàn bộ nông trại được chứng nhận an toàn chứ không chỉ riêng một vài loại sản phẩm.
Vấn đề khó khăn nhất để duy trì, phát triển chợ phiên nông sản an toàn tại TP Hồ Chí Minh là mặt bằng. Trước khi phiên chợ lần đầu tiên được mở, Sở NN&PTNT thành phố đã dự kiến tổ chức tại khuôn viên Sở. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chật hẹp, không thích hợp kinh doanh nên chợ được dời đến địa điểm khác.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là nỗi lo lớn nhất từ phía Sở. “Mọi khía cạnh từ nhà cung cấp thực phẩm, người tiêu dùng đều ủng hộ chúng tôi tổ chức chợ phiên, nhưng nếu không có mặt bằng thì không thể nhân rộng quy mô chợ đến toàn bộ các quận, huyện trong TP Hồ Chí Minh như định hướng phát triển. Sở NN&PTNT đang kêu gọi các địa phương tạo điều kiện hay hỗ trợ mặt bằng để có thể nhân rộng ra nhiều địa điểm khác trong thành phố”, ông Trực cho biết.

Tiến Thành