Thủ tướng Đức Angela Merkel công du Đông Âu: Sứ mệnh khó khăn

Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 01/09/2016

(HNM) - Việc nước Anh trưng cầu dân ý rời Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đã khiến Lục địa già phải đối mặt với không ít thách thức, từ những vấn đề kinh tế, người tị nạn, khủng bố đến nguy cơ chia rẽ nội bộ.

Trong vai trò đầu tàu liên minh, Đức đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm sự ổn định của ngôi nhà chung trước sóng gió. Đây cũng là lý do khiến chuyến công du của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến 4 nước Đông Âu thuộc nhóm Visegrad, gồm Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia mang nhiều ý nghĩa hơn.

Thủ tướng Đức A.Merkel (thứ hai từ trái sang) nỗ lực thực hiện các cuộc thương thuyết nhằm ổn định EU.


Nội dung đầu tiên trong các cuộc thảo luận giữa Đức và các quốc gia thuộc nhóm Visegrad là tương lai của EU sau Brexit. Đây có thể coi là vấn đề quan trọng nhất với liên minh thời điểm này, bởi những dấu hiệu chia rẽ ngày càng rõ ràng. Nhiều quốc gia EU đang tỏ ra hoài nghi trước những quyết sách không phù hợp - điều khiến Anh rời EU và cũng làm một vài quốc gia “nhen nhóm” ý định tương tự. Bên cạnh đó, viễn cảnh Châu Âu dưới hình thức liên bang tập trung hóa của Đức không cùng quan điểm với một số nước Đông Âu muốn EU tồn tại theo mô hình một liên minh. Trong cuộc họp tại Warsaw lần này, lãnh đạo các nước Visegrad kêu gọi EU nên có những thay đổi, trao cho các nước thành viên nhiều thời gian hơn để tự quyết định đường lối phát triển của đất nước, thay vì thực hiện theo các chính sách của liên minh. Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo thúc giục EU thực hiện cải cách mạnh mẽ nhằm tăng cường vị thế của khối cũng như lấy lại niềm tin của người dân. Đồng cảm với những lo lắng của Visegrad, Thủ tướng A.Merkel thừa nhận, Brexit đang ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch hội nhập của EU hiện nay cũng như trong tương lai, đòi hỏi liên minh phải tìm ra câu trả lời thích hợp cho vấn đề này.

Bên cạnh những lo ngại về tương lai của EU hậu Brexit, vấn đề người tị nạn tiếp tục là trọng tâm chi phối những quyết sách của EU và vấp phải nhiều chỉ trích từ các thành viên. Từ lâu, nhóm Visegrad đã công khai phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hệ thống phân chia của EU mà Thủ tướng A.Merkel ủng hộ mạnh mẽ. Trước nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại về một viễn cảnh hàng triệu người tị nạn tiếp tục tràn vào Lục địa già. Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka tái khẳng định việc nước này phản đối hệ thống phân chia người tị nạn mà Đức theo đuổi. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố tiếp tục củng cố hệ thống hàng rào biên giới đã được dựng từ năm 2015 để ngăn chặn dòng người tị nạn tràn sang nước này. Một số thành viên EU cho rằng, việc tiếp nhận người tị nạn khiến nhiều nước đối mặt với những hậu quả về an ninh, kinh tế. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Witold Wszczykowski, kế hoạch phân bổ hạn ngạch phải dựa trên đánh giá về an ninh, thị trường lao động và chính sách xã hội của mỗi nước, không phải nước nào cũng có thể áp dụng được chính sách mà Đức đưa ra. Nhằm xoa dịu các quốc gia thành viên khác, sau chuyến công du tới các nước Visegrad, Thủ tướng A.Merkel lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận những sai lầm của Đức và Châu Âu trong chính sách tị nạn, đồng thời tuyên bố nỗ lực theo đuổi một kế hoạch thực tế và phù hợp hơn.

Một trong những nhiệm vụ trong lộ trình gắn kết EU của “bà đầm thép” là giải quyết vấn đề an ninh. Kể từ sau các vụ khủng bố tại Pháp, Đức…, các thành viên "ngôi nhà chung" đang lo ngại rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố sẽ đe dọa đến an ninh của châu lục. Đó cũng là quan ngại mà nhóm các nước Visegrad và Đức đặt ra trong các cuộc thảo luận. Thủ tướng Hungary V.Orban đề xuất, Châu Âu nên coi vấn đề an ninh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cả Czech và Hungary đều lên tiếng thúc giục EU nên bắt đầu thành lập lực lượng quân đội chung Châu Âu.

Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, bà A.Merkel còn phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác như vực dậy nền kinh tế EU vốn đang trong giai đoạn khó khăn hay những vấn đề chính trị như quan hệ với Nga, Ukraine... Vì vậy, chuyến đi của người đứng đầu nước Đức thực sự là một sứ mệnh khó khăn. Công việc này còn được tiếp tục với các cuộc họp với một loạt quốc gia khác từ Bắc Âu đến Nam Âu trước khi Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra tại Slovakia sắp tới, nơi những cải cách của EU có thể được đưa ra.

Quang Huy