Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: "Cuộc chơi" đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 01/09/2016
Sản xuất phần nắp của tank ủ bia tại Nhà máy Chế tạo thiết bị nhiệt lạnh và thực phẩm số 2, Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách khoa. Ảnh: Lê Văn |
Bên cạnh việc xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu quả, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực, nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thế mạnh của Thủ đô.
Sản phẩm công nghiệp chủ lực chứng tỏ vị thế
Sau 10 năm triển khai chương trình đánh giá, xét chọn, công nhận các SPCNCL của Hà Nội, đến nay thành phố đã có 59 SPCNCL của 49 doanh nghiệp (DN); theo các nhóm sản phẩm: cơ khí, điện - điện tử, hóa - nhựa, dệt may - da giày, chế biến lương thực, thực phẩm… Các DN sản xuất SPCNCL đã được thành phố hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường, bảo hộ nhãn hiệu.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với sự hỗ trợ, ưu đãi của thành phố, các SPCNCL đã chứng tỏ vị thế trên thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động; và quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển. Nhiều DN, SPCNCL là những thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế; được xếp trong danh sách 500 thương hiệu lớn của Việt Nam. Một số SPCNCL đã thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu, tiết kiệm đáng kể nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Điển hình như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, với các sản phẩm đèn LED chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hay Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, đứng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị nhiệt, lạnh, chế biến thực phẩm; vươn ra thị trường thế giới thông qua hợp tác với các tập đoàn lớn của nước ngoài để thực hiện nhiều gói thầu tầm cỡ quốc tế. Các sản phẩm máy biến áp, trạm biến áp trọn bộ, tủ điều khiển… của Công ty Thiết bị điện Đông Anh chiếm thị phần lớn trên thị trường trong nước và khu vực, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chế tạo được máy biến áp 500kV...
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện đầy đủ các cam kết trong WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do, các SPCNCL nói riêng, cũng như các DN Việt Nam nói chung phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”. Trong khi đó, dù mang danh hiệu SPCNCL nhưng việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của DN chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao.
Chính vì những điểm yếu này mà các DN trong nước vẫn khó "chen chân" vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài. Đơn cử như Tập đoàn Samsung, khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam, rất muốn tìm đối tác trong nước tham gia sản xuất, cung ứng linh kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhưng không có DN nào đáp ứng được điều kiện mà Samsung đặt ra. Điểm yếu cố hữu này cũng khiến SPCNCL của Hà Nội chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thu hút được nhiều DN nước ngoài đầu tư vào sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Ngay bản thân các DN có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả cao.
Sản phẩm của Công ty Thiết bị điện Đông Anh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và khu vực. |
Chọn sản phẩm sử dụng hàm lượng chất xám cao
Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của Hà Nội là trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, với các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới… Mục tiêu này cũng đặt ra những yêu cầu mới, lớn hơn đối với chương trình phát triển SPCNCL. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hàng hóa của các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do khi vào Việt Nam sẽ rẻ hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu; đồng thời họ có thể dễ dàng thành lập DN 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam ở các lĩnh vực nước ta chưa có thế mạnh. "Các DN nội sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất láng giềng" - ông Nguyễn Thanh Hải nói.
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, trong "cuộc chơi" này, phần thắng dễ dàng thuộc về các DN có trí tuệ và bản lĩnh, tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã tốt hơn và giá thành rẻ hơn. Vì vậy, không có cách nào khác, DN Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư thương hiệu và áp dụng phương pháp quản trị tiên tiến để giảm thiểu chi phí… Ông Hoa Hữu Lân cho rằng, bên cạnh thách thức, hội nhập cũng mang lại nhiều cơ hội khi Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn và công ty đa quốc gia. Các DN trong nước sẽ được hưởng những thuận lợi không nhỏ nếu có những điều chỉnh phù hợp, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố chủ trương chọn lọc SPCNCL từ một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ, hàm lượng chất xám cao; phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 150 SPCNCL. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, SPCNCL phải là những sản phẩm xứng đáng, có quy mô, tầm cỡ không chỉ trong nước mà còn ở khu vực. Việc xét chọn mở rộng hơn, ưu tiên lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng vật liệu mới...
Cũng theo ông Lê Hồng Thăng, TP Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần hỗ trợ DN, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Cùng với đó, những giải pháp thiết thực như: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vốn vay ngân hàng, công nghệ, xúc tiến thương mại... sẽ là những biện pháp quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển bền vững.