Giai đoạn mới, tầm cao mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 02/09/2016

(HNM) - Ngày này của 71 năm trước (2/9/1945 - 2/9/2016), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Thời khắc thiêng liêng đó cũng chính là mốc son, mở ra một trang sử vẻ vang trong lịch sử Việt Nam, đưa dân tộc ta bước vào thời đại độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.


Vậy nhưng, phải sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông mới thực sự hòa bình, độc lập để dành hoàn toàn tâm sức và trí lực cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Và tới Đại hội VI (năm 1986), công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo có thể coi là một cuộc cách mạng to lớn trong chặng đường phát triển, giúp đất nước từng bước vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Cuộc cách mạng đó đã giúp đất nước chúng ta có những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới về cơ chế quản lý, mô hình phát triển; đổi mới về tổ chức và đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác… Đổi mới để phát triển, đồng nghĩa với phát triển nhưng là sự phát triển trong thế ổn định, theo đúng con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn với mục đích cao nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Kết quả là hôm nay, nhìn lại hành trình 30 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển; trở thành nước đang phát triển, thu nhập của người dân đạt mức trung bình; kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, văn hóa - xã hội có bước tiến mới; bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi tích cực và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện… Đặc biệt, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công cuộc đổi mới đất nước cũng còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề lớn, phức tạp cần có biện pháp giải quyết phù hợp với thực tiễn. Tình hình trong nước và quốc tế đã có những thay đổi căn bản; hội nhập, toàn cầu hóa đã và đang trở thành xu thế vận động tất yếu của thế giới hiện đại. Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội mới với nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt trước không ít khó khăn, thách thức… Do đó, Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Có thể coi đây tiếp tục là một cuộc cách mạng trong giai đoạn mới của đất nước - cuộc cách mạng của hành động.

Nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 (tháng 4-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mục tiêu “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính” để phục vụ tốt nhất các yêu cầu phát triển đất nước. Các giải pháp thực hiện nhằm tạo bước “đột phá” cũng đã được đề ra.

Vấn đề còn lại nằm ở hành động và thái độ vào cuộc của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và đặc biệt là người đứng đầu các cấp, ngành để công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, toàn diện và triệt để, đáp ứng với đòi hỏi từ thực tế của tình hình trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà còn gắn liền với việc bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, xử lý có hiệu quả mọi tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Như vậy có thể thấy, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhiệm vụ cách mạng được đặt ra với từng yêu cầu cụ thể, trên những tầm cao mới, phù hợp với bối cảnh chung. Quá trình vận động, đổi mới không ngừng nghỉ đó cũng chính là hiện thực hóa sự trân trọng, kế thừa và phát triển những giá trị to lớn được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đó là xây dựng một chính quyền cách mạng theo ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và của cả dân tộc, phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Và đó cũng nhằm hoàn thành “Điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Hànộimới