Từ thần đồng toán học Oxford trở thành gái bán hoa
Giáo dục - Ngày đăng : 10:59, 02/09/2016
Sufiah Yusof sinh năm 1984, trong người cô mang hai dòng máu. Cha là ông Farooq Yusof, người gốc Pakistan. Mẹ là bà Halimaton Yusof, người gốc Malaysia. Sufiah lớn lên ở thị trấn Northampton, hạt Northamptonshire (Anh).
Tuổi thơ như ‘địa ngục trần gian’
Vào năm 1998, ông Farooq được mọi người biết đến là nhân vật tiên phong trong việc giảng dạy chuyên sâu cho học sinh ở địa phương. Ông đã áp dụng mô hình giáo dục này lên chính 5 người con của mình. Từ đó, cuộc sống của Sufiah và các anh chị em hết sức khổ sở.
Nhiều quy định được ông Farooq áp dụng triệt để vì mục đích giáo dục. Nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng ở mức thấp vì nóng nực sẽ dễ làm mất tập trung. Các con ông bị cấm xem truyền hình, nhạc pop hay bất kỳ thứ gì có thể dẫn đến những ý nghĩ mà ông cho là ‘nông cạn’. Những đứa trẻ phải sống trong điều kiện giáo dục khắt khe như một trại lính tập trung.
“Khi muốn đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, ông gọi bằng cách đấm thẳng vào mặt. Đó là những thứ khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua khi còn bé”, ông Isaac Abraham, 34 tuổi và là anh trai của cô Sufiah, kể lại với The Telegraph.
“Khi đã trưởng thành, chúng tôi không còn muốn nói gì với cha. Ông ấy đã ngược đãi anh chị em tôi. Đó là lý do vì sao con bé Sufiah muốn trốn chạy”, Abraham nói thêm.
Ngay từ rất sớm, Farooq đã tuyên bố sẽ giúp cô con gái thần đồng toán học Sufiah vào Trường St Hilda's College, thuộc Đại học Oxford danh giá.
Ông đã làm được việc này vào năm 1997. Sufiah vào được Oxford khi mới 13 tuổi. Tuy nhiên, lúc đó người cha đã khẳng định những gì con gái đạt được là nhờ vào cách giáo dục của ông hơn là trí thông minh của cô bé.
Trốn chạy khỏi Oxford
Tại Oxford, Sufiah có những ngày tháng sống và hoạt động như một sinh viên chân chính. Cô tham gia vào các tổ chức, hiệp hội của trường và góp sức chống lại chính sách tăng học phí.
Thời gian trôi qua, Sufiah vẫn luôn chịu áp lực từ cách giáo dục hà khắc của cha. Mọi chuyện thay đổi vào năm 2000. Cô gái 16 tuổi đã vùng dậy và trốn khỏi Oxford.
Hai tuần sau, mọi người biết được cô đang sống ở thị trấn Bournemouth, nằm ở ven biển nước Anh. Sufiah kiếm tiền bằng công việc bồi bàn ở một quán internet. Cương quyết không trở về nhà, cô gái trẻ viết một email gửi cho gia đình, mô tả cuộc sống thời thơ ấu của mình chẳng khác nào 'địa ngục trần gian'.
Trong thư, Sufiah kể về khoảng thời gian chịu đựng ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Năm 11 tuổi, cô từng 2 lần muốn tự sát và không biết bao lần phải khóc.
Vào năm 2003, thần đồng toán học quay lại Oxford tiếp tục con đường học tập. Cô yêu chàng sinh viên luật Jonathan Marshall và kết hôn vào năm 2004.
Sufiah Yusof (ở giữa) với cha và chị gái khi vào Đại học Oxford năm 13 tuổi - Ảnh chụp màn hình Daily Mail |
Sufiah hoàn thành khóa học ở Oxford nhưng không được cấp bằng vì chưa qua các bài kiểm tra cuối cùng. Do Marshall theo đuổi công việc nên hai người chuyển đến sống ở London rồi Singapore.
Hôn nhân đổ vỡ và hành nghề gái bán hoa
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài chưa đến 2 năm thì đổ vỡ. Ông Marshall cho biết cả hai xuất hiện nhiều bất đồng, con đường mà mỗi người muốn đi lại khác xa nhau nên tất yếu dẫn đến chia tay.
Marshall thừa nhận ông rất bất ngờ với những gì mà vợ cũ đã chịu đựng khi còn là một đứa trẻ. Nhiều lần bị ngược đãi cả thể chất và tinh thần từ người cha.
Sau khi chia tay, Sufiah quyết định đăng ký vào Đại học London để học kinh tế vào năm 2005. Hai năm sau, nhiều người ngỡ ngàng khi phát hiện cô đang làm gái bán hoa. Sufiah để lại số điện thoại và thông tin của mình trên internet.
Những ai có nhu cầu có thể gọi cho cô, cùng hẹn hò, trò chuyện và tất cả mọi thứ. Giá cô đưa ra là hơn 170 USD/giờ, khoảng 3,8 triệu đồng, theo Daily Mail.
Trong một lần tiết lộ với truyền thông, Sufiah khẳng định cô không việc gì phải giấu diếm chuyện làm gái bán hoa. Thêm nữa, điều này có thể làm cha cô nổi giận.
“Tôi không nghĩ việc mình làm là gì đó khủng khiếp. Tôi luôn có nhu cầu tình dục cao và công việc tôi làm có thể đáp ứng được nhu cầu đó”, Sufiah nói.
Cô cho biết vẫn chưa từ bỏ con đường học tập của mình và sẽ học lên cao sau khi đã hoàn thành xong bằng cử nhân kinh tế.