Pháp loay hoay xử lý khủng hoảng sữa
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 04/09/2016
Theo Tổng Thư ký Nghiệp đoàn nông trại lớn nhất Pháp (FNSEA) Dominique Barrau, Lactalis đã nhất trí tăng giá mua trung bình lên mức 275 euro/1.000 lít sữa trong năm 2016, đồng thời kêu gọi chấm dứt phong trào phản đối Lactalis ở Pháp. Viết trên trang cá nhân mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã gọi thỏa thuận mà Lactalis và các nhà sản xuất sữa Pháp vừa đạt được là một "thỏa thuận tích cực".
Trước đó, khoảng 2.000-3.000 nông dân Pháp đem theo hàng trăm máy kéo và bò tập trung phản đối trước trụ sở Lactalis ở thành phố Laval, Tây Bắc nước Pháp. Họ cũng tiến hành các hoạt động phản đối tại các siêu thị và kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm của Lactalis - Tập đoàn chuyên sản xuất pho mát, sữa, bơ, sữa chua với các thương hiệu như President, Bridel, Galbani và Lacte. Theo thông báo của FNSEA và Liên đoàn Các nhà sản xuất sữa Pháp (FNPL), kể từ khi Liên minh Châu Âu (EU) xóa bỏ chính sách áp dụng hạn ngạch sữa hồi tháng 4-2015, các nhà sản xuất sữa Pháp bị thua thiệt. Cụ thể, giá sữa giảm 30% trong khi doanh thu của Lactalis gia tăng khoảng 17 tỷ euro vào năm 2015, nhưng chỉ chi trả cho các nhà sản xuất sữa 265 euro/1.000 lít so với 363 euro/1.000 lít vào năm 2014. Các nhà sản xuất đã yêu cầu định lại giá mua sữa, cũng như yêu cầu Lactalis phải đàm phán về giá cả.
Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 25-8 đã thất bại do hai bên không nhượng bộ. Lactalis không thừa nhận những cáo buộc của các nghiệp đoàn và giải thích giá mua giảm là do cuộc khủng hoảng sản xuất thừa. Cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra ngày 26-8 cũng có kết quả tương tự mặc dù Lactalis đề nghị tăng giá mua lên 269 euro/1.000 lít sữa. Theo Giám đốc truyền thông của Lactalis Michel Nalet, chỉ có ở Pháp là các nghiệp đoàn nông nghiệp từ chối thừa nhận thực tế của thị trường là đang diễn ra cuộc khủng hoảng sản xuất thừa và quy chụp điều này cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephan Le Foll cho rằng điều không thể chấp nhận được là Lactalis, một tập đoàn sữa số 1 thế giới, lại trả giá thấp nhất trong số các nhà thu mua sữa ở nước này.
Thực tế, ngành sữa cũng như nông nghiệp Pháp đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Theo các nhà phân tích giá, nguyên nhân sâu xa trước hết phải kể đến là những bất cập trong nền nông nghiệp tại quốc gia này. Do quy mô chăn nuôi nhỏ, chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng. Bên cạnh những yếu tố nội tại, các yếu tố bên ngoài cũng góp phần đưa nền nông nghiệp Pháp đến giai đoạn “bĩ cực” hiện nay.
Đó là những thay đổi trong chính sách nông nghiệp chung của Châu Âu. Do các khoản hỗ trợ cho nông dân các nước Châu Âu quá tốn kém, chiếm gần một nửa ngân sách, EU đã dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất sữa từ ngày 1-4-2015 sau 31 năm duy trì. Vào tháng 11-2015, sản lượng sữa của các nước Châu Âu đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hệ thống bảo đảm giá cả của EU đã dần bị dỡ bỏ trong hơn chục năm qua. Nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng, Pháp cần quyết liệt hơn trong chính sách nông nghiệp, hoặc phải tập trung vào một nền nông nghiệp được công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm giá rẻ, hoặc phải chú trọng đến giá trị của các sản phẩm mang đặc trưng của Pháp.