Trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 05/09/2016
Trong thư gửi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ: Năm học 2016-2017, Ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT... Để thực hiện tốt chỉ đạo trên, trong năm học này, Ngành GD-ĐT đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa bằng đề án cụ thể, trên cơ sở đó sẽ được triển khai bài bản, thống nhất trong toàn ngành.
Những thành công của Ngành GD-ĐT thời gian qua được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, sứ mệnh "trồng người" cao cả luôn đi kèm trách nhiệm lớn, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục nước nhà đang đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện với hàng loạt vấn đề cần đặt ra, cần giải quyết.
Đơn cử, hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Ngành GD-ĐT. Có thể lý giải từ nhận thức của lãnh đạo về vai trò của CNTT ở một số nơi chưa đầy đủ, tâm lý ngại thay đổi; việc đầu tư cho CNTT không đồng bộ, dẫn tới hiệu quả ứng dụng không cao. Hay công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa tốt bởi tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, trong khi nhà trường không tổ chức tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của nhiều chương trình đào tạo nghề chưa cao, chưa gắn với năng lực hành nghề, trang thiết bị ở các trường đào tạo nghề thiếu đồng bộ, đội ngũ giáo viên thiếu kinh nghiệm thực tế...
Nói vậy để thấy, đào tạo được một đội ngũ nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước là nhiệm vụ hết sức khó khăn và không thể một sớm, một chiều. Do vậy, yêu cầu đổi mới phát triển GD-ĐT vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là mục tiêu lâu dài. Mặt khác, "sản phẩm" của Ngành GD-ĐT là "sản phẩm đặc biệt", góp phần quan trọng hình thành nhân cách, trí tuệ của một con người, nói rộng ra là cho tương lai phát triển cả một dân tộc. Do vậy, một quyết sách không sát với thực tế có thể sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và xóa nhòa những thành tựu đạt được.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhu cầu phát triển quốc gia dựa trên năng lực nội sinh của mỗi dân tộc được xem là nhân tố có tính quyết định. Quốc gia nào có nền giáo dục phát triển, đồng nghĩa với việc phát huy được tiềm năng chất xám. Đồng thời, không có nền giáo dục tốt thì không thể có nền khoa học tiên tiến và nền kinh tế mạnh. Đó là một quy luật phát triển tất yếu mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua, nhất là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Vậy nên, phải có sự thống nhất về chủ trương, quan điểm, phương hướng và cách chỉ đạo GD-ĐT. Trong đó, một việc không thể thiếu là phải thống nhất chỉ đạo và tuyên truyền về phát triển sự nghiệp giáo dục trong toàn dân, để mỗi người dân có được thông tin đầy đủ về giáo dục, trước hết là những nhận thức mới về tư duy phát triển, coi đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển chứ không phải là một thứ phúc lợi.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang". Lời dạy của Người cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ với những người trong Ngành GD-ĐT mà với tất cả mọi gia đình, mọi cá nhân trong xã hội.