Tiếp đà đổi mới căn bản và toàn diện

Giáo dục - Ngày đăng : 06:11, 05/09/2016

(HNM) - Năm học mới 2016-2017, Ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đứng trước những thuận lợi, thời cơ đan xen nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có những thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng của Ngành Giáo dục - Đào tạo. Ảnh: Viết Thành


Đổi mới bắt đầu từ con người

Nhân dịp năm học mới 2016-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có Thư chúc mừng gửi tới các thế hệ cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức Ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên trong cả nước. Trong thư, bên cạnh lời chúc tốt đẹp nhân dịp khai giảng năm học mới, ghi nhận thành quả của ngành trong năm học 2015-2016, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

Quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ lớn đã được giao, trước thềm năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành với 9 nội dung công tác lớn, tinh thần chung là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phương hướng chung là tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Với phương hướng nói trên, ngành đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là quy hoạch mạng lưới giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục đại học để có căn cứ xếp hạng, phân tầng và sắp xếp lại mạng lưới một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu nhân lực. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Trọng tâm đầu tiên là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường đại học, cao đẳng - được thành lập khá nhiều trong thời gian qua, hiện bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, phải kiểm định lại, những trường nào thật sự chuẩn, đầu tư có chất lượng thì đầu tư thêm. Những trường yếu kém thì có thể sáp nhập, giải tán hoặc trở thành một phân hiệu của trường khác để mạng lưới các trường đại học được gọn mà chất lượng”.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đang dư thừa lao động như Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng..., tăng cường đào tạo các ngành Khoa học kỹ thuật và Công nghệ.

Với phương châm đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ con người, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề cụ thể: “Hiện nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên và nhà quản lý, nhưng có gần 1 triệu giáo viên gặp khó khăn về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chuyên môn và tiếp cận vấn đề đổi mới. Như vậy thì chuẩn giáo viên ra sao, bồi dưỡng thế nào? Cán bộ quản lý giáo dục ở cấp phổ thông hầu hết là từ giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý, do đó kiến thức, kỹ năng về quản trị rất hạn chế, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới”. Trước thực tế này, ngành đã đề ra nhiệm vụ xây dựng lộ trình tinh giản biên chế đối với những giáo viên, cán bộ không có khả năng đạt chuẩn, xây dựng chuẩn đối với chức danh quản lý giáo dục. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Nếu như giáo viên đổi mới mà cán bộ quản lý vẫn kiểu cũ thì không thể giữ chân được người giỏi cho Ngành Sư phạm”. Về quy hoạch, riêng đối với hệ thống trường sư phạm với 117 cơ sở, quan điểm là giữ lại 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác, để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.

Đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền chủ động

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Bộ GD-ĐT xác định giải pháp quan trọng hàng đầu là rà soát, thay thế hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu đổi mới; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, ủy quyền, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc, tăng cường giao quyền cho các địa phương. Các cơ sở giáo dục và giáo viên sẽ chủ động trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh, sinh viên.

Theo Chỉ thị của Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện quyền tự chủ, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và học thuật. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học, khuyến khích các cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực. Năm học 2016-2017 là năm thứ hai các chương trình đào tạo tại các trường đại học được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, với mức trần học phí thấp nhất là 17,5 triệu đồng/năm cho các ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế, Luật; Nông - Lâm - Thủy sản. Tuy nhiên, điều được quan tâm là liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí? Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Đó là một bài toán khó mà các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt. Với cơ chế mới, Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền tự chủ của các trường, đặc biệt là về các mặt thu chi cũng như mở ngành, liên kết đào tạo”.

Năm học 2016-2017, đổi mới thi cử sẽ tiếp tục là điểm chốt quan trọng trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT. Điều này cũng có nghĩa là các cơ sở giáo dục sẽ được tăng quyền tự chủ song song với tăng cường chức năng quản lý. Đây là một bước tiến lớn trong lộ trình đổi mới theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí, không gây sốc cho thí sinh và xã hội, tiến tới thực hiện một phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững lâu dài.

Cả nước có 22,5 triệu học sinh, sinh viên

(HNM) - Ngày 4-9, thông tin từ cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD-ĐT cho biết: Năm học 2016-2017, quy mô giáo dục và đào tạo của cả nước là 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó số học sinh từ cấp học mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp là 20,2 triệu em; còn lại là số sinh viên đại học, cao đẳng. So với năm học trước, quy mô giáo dục và đào tạo không có biến động lớn. Hà Nội là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 1,7 triệu em.

Thông tin quan trọng được Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc họp báo đầu năm học mới là về phương án thi và tuyển sinh năm 2017. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Để chuẩn bị cho việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác rà soát kỹ lưỡng phương án thi năm 2016 về các ưu, nhược điểm, lắng nghe ý kiến dư luận và lấy ý kiến trực tiếp của các Sở GD-ĐT và trường đại học, cao đẳng. Dựa trên căn cứ lý luận và kết quả từ thực tiễn, Bộ GD-ĐT thống nhất chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 theo hướng cải thiện những mặt hạn chế và phát huy những mặt tích cực của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét việc giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Phương án cụ thể sẽ được Bộ GD-ĐT nghiên cứu và công bố sớm.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những đầu việc quan trọng trong năm học 2016-2017 nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là củng cố hoạt động của Trung tâm Dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động. Đây là căn cứ cho các nhà trường trong việc dự báo chỉ tiêu đào tạo hằng năm và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Minh Đức

Khánh Vũ