Bài 1: Những người “giữ yên” giấc ngủ cho đồng đội
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 05/09/2016
Bài 1: Những người “giữ yên” giấc ngủ cho đồng đội
Sau khi rời chiến trường trở về quê hương, dù thân thể không còn lành lặn, nhiều cựu chiến binh (CCB) chọn công việc vất vả, thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa: Quản trang. Âm thầm nâng niu từng phần mộ, gắn bó với từng góc nhỏ trong nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), "giữ yên" giấc ngủ cho đồng đội suốt mấy chục năm qua một cách tận tâm, vô điều kiện như một nghĩa cử cao đẹp để tri ân - Những CCB ấy làm ấm lòng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, phần nào chia sẻ với nỗi đau của thân nhân, gia đình liệt sĩ…
Ông Hoàng Bá Bàng luôn tận tụy với công việc chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. |
Trọn nghĩa, vẹn tình
Trưa tháng tám “nắng rám trái bòng” nhưng CCB Phạm Song Toàn vẫn miệt mài làm việc tại NTLS xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Vừa cắt tỉa xong mấy khóm hoa cạnh lối đi vào nghĩa trang, ông lại thoăn thoắt nhổ bụi cỏ dại đang mọc sau mấy trận mưa hôm trước. Cứ như vậy, những công việc không tên đã lôi cuốn ông suốt hơn hai mươi năm qua tại nghĩa trang này.
Bên ấm trà pha vội, CCB Nguyễn Song Toàn trải lòng: “Tháng 1-1966, tôi lên đường nhập ngũ. Trực tiếp đánh nhau với giặc nhiều trận tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Đến năm 1973, do sức khỏe yếu, tôi trở về quê và tiếp tục công tác tại UBND xã Nhị Khê trên các cương vị: Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã. Năm 1993, tôi nghỉ hưu. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ đây là thời gian thích hợp nhất để mình thực hiện ước nguyện tri ân đồng đội mà bấy lâu từng ấp ủ”. Nghĩ là làm, người CCB đã đề nghị xã cho làm quản trang tại NTLS. Suốt 20 năm qua, hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở nghĩa trang để chăm lo, nâng niu cho giấc ngủ dài của đồng đội.
Chu toàn với các liệt sĩ đã được yên nghỉ tại quê hương, thế nhưng CCB Phạm Song Toàn luôn đau đáu nỗi niềm khi nhiều đồng đội vẫn đang nằm lại nơi chiến trường. Được gia đình ủng hộ, ông tiết kiệm phần lương hưu ít ỏi của mình để đi tìm hài cốt đồng đội. Từ năm 1997 đến 2002, 30 lần người lính già tìm về các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… nơi đơn vị cũ của ông từng chiến đấu để tìm thông tin liệt sĩ. Ông đã đến 29 NTLS, ghi chép được gần 3.000 thông tin rồi nhờ đăng báo hoặc đến tận nhà gia đình liệt sĩ báo tin. Từ tấm lòng đó của ông, hàng trăm gia đình có thông tin về người thân, hơn 100 gia đình đã đưa được hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Riêng ông đã trực tiếp cùng thân nhân liệt sĩ vào chiến trường đưa 15 hài cốt liệt sĩ về quê hương an táng. Vất vả nhưng động lực to lớn giúp ông quên hết mọi mệt mỏi, khó khăn chính là những lần tìm thấy hoặc đưa được hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Giờ đây, sức khỏe không còn được như trước nên CCB Phạm Song Toàn không thể đến các NTLS tìm đồng đội, nhưng nỗi niềm về các liệt sĩ chưa được “đoàn tụ” cùng gia đình vẫn đau đáu trong lòng ông. Vậy nên, ngoài thời gian chăm lo cho NTLS ông làm bạn với chiếc đài cũ. Mấy năm nay, hễ đến giờ Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình “Nhắn tìm đồng đội” là ông lại sẵn sàng giấy bút, cẩn thận ghi chép các thông tin về liệt sĩ để gửi cho gia đình họ…
Mệnh lệnh từ trái tim
NTLS phường Đồng Mai, quận Hà Đông nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa, những năm gần đây đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Góp phần làm nên sự thay đổi không nhỏ đó có bàn tay của vợ chồng CCB Đỗ Văn Lý và Trần Thị Hồng. Coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, nên dù nghĩa trang rộng hơn 2.000m2 với gần 200 ngôi mộ, nhưng ông bà đều thuộc lòng từng vị trí, đặc điểm của từng mộ, cũng như hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ. Ngày hai lần ông bà quét dọn, hương khói nên NTLS xã Đồng Mai luôn sạch sẽ, ấm áp. Mùa nào thức nấy, ông bà sưu tầm các loài hoa về trồng để khuôn viên nghĩa trang thêm sinh động. “Nghĩa trang này có 22 ngôi mộ vô danh của các liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Các anh đã nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều khi nghĩ mà xót xa lắm, vậy nên hằng ngày vợ chồng tôi đều quét dọn, hương khói trước tiên để các anh ấy bớt cô đơn. Còn sức khỏe ngày nào, vợ chồng chúng tôi còn gắn bó với nghĩa trang này, bởi đây là trách nhiệm của những người còn sống dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cuộc đời mình cho đất nước”, CCB Đỗ Văn Lý cho biết.
Với CCB Hoàng Bá Bàng, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, thương binh hạng 3/4, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ 5h sáng. Ông kể, tuổi già có nằm cũng chẳng ngủ được, dậy đi ra đi vào cho người khỏe khoắn. Nói là vậy chứ thật tâm, ông luôn sắp xếp việc nhà để còn kịp ra NTLS của xã. Hơn 20 năm nay, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, đều đặn tầm 7h sáng ông đã có mặt ở nghĩa trang để bắt đầu công việc. Tận tụy với vai trò của người quản trang, ông đã góp phần cải tạo nghĩa trang đơn sơ trước kia trở nên khang trang, ấm cúng như hôm nay.
Hơn 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường B, trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất nhưng thương tật đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của ông. Đặc biệt, chất độc da cam/dioxin nhiễm vào người đã khiến ông không thể có con. Thấy vợ chồng ông sức khỏe yếu, xã đã ưu tiên bố trí cho ông một địa điểm bán nước để cải thiện cuộc sống, nhưng rồi tự thấy mình không hợp với công việc này nên ông thôi không làm nữa. “Từ khi xã có NTLS, tôi đã tình nguyện xin được làm công việc quản trang, bởi tôi nghĩ rằng, mình được sống ngày hôm nay một phần là nhờ xương máu của đồng đội. Hơn nữa, tại nghĩa trang này tôi có một người em ruột và 4 đồng đội đang nằm yên nghỉ. Tôi muốn được tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc" - ông Bàng chia sẻ trong nỗi xúc động chân thành. Những ngày đầu, NTLS của xã chưa có tường bao, cỏ mọc um tùm. Hằng ngày, vợ chồng ông cùng nhau bới đất nhặt cỏ, quét dọn quanh phần mộ. Nhiều hôm dọn dẹp sạch, sáng hôm sau đến lại thấy bừa bộn rác do người dân vô ý bỏ lại. Không quản ngại, hai vợ chồng người CCB lại cần mẫn với công việc của mình. Cùng với sự đầu tư của chính quyền và sự kiên trì, tận tụy của ông Bàng, NTLS xã Kim Nỗ hôm nay đã khang trang hơn, 165 ngôi mộ được lát đá sạch sẽ, tường bao vững chãi. Nhiều người trong làng, trong xã thắc mắc sao ông bà lại chọn nghĩa trang làm nơi gắn bó mỗi ngày trong suốt mấy chục năm qua, ông chỉ cười hiền: “Trông coi nghĩa trang, tôi thấy mình như khỏe ra bởi quãng thời gian trong quân ngũ đã in sâu vào tâm trí của tôi”. Mấy năm nay, người vợ đã già yếu, không còn cùng chồng mỗi ngày đến nghĩa trang được nữa, nhưng ông Bàng dù đã ở tuổi ngoài 80 vẫn đều đặn hằng ngày hương khói, chăm sóc từng phần mộ liệt sĩ...
(Còn nữa)