Còn nhiều vướng mắc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 05/09/2016
Cấm để bảo đảm an toàn tòa nhà
Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định, cấm sử dụng CHCC vào mục đích không phải để ở. "Lệnh cấm" này còn được xuyên suốt các luật khác liên quan đến mua bán, xây dựng nhà ở như Luật Kinh doanh bất động sản quy định nghĩa vụ của bên mua nhà là sử dụng nhà, công trình xây dựng đúng công năng, thiết kế.
Kinh doanh tại chung cư ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân xung quanh. Ảnh: Linh Ngọc |
Luật Xây dựng nêu cụ thể hơn: Nhà chung cư được thiết kế theo mục đích sử dụng và cấu phần tổ hợp với các tiêu chuẩn thiết kế về tải trọng, cấp điện, thang máy, nơi thoát nạn và phòng cháy chữa cháy theo công năng sử dụng của từng phần công trình. Chẳng hạn như tải trọng tiêu chuẩn đối với phòng ở là 150kg/m2 nhưng của văn phòng lại lên tới 200kg/m2, phòng họp, kho sách là 400kg/m2, xưởng sản xuất là 2.000kg/m2. Sử dụng sai mục đích có thể dẫn đến mất an toàn trong quá trình vận hành chung cư như các chuyên gia xây dựng khẳng định.
Nói một cách dễ hiểu, căn hộ dùng để ở nếu được sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất sẽ làm tăng đột biến số lượng người, tần suất sử dụng thang máy dễ dẫn đến quá tải, tăng nguy cơ chập, cháy điện trong quá trình sử dụng... Sử dụng CHCC làm văn phòng, địa điểm kinh doanh còn gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường...
Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chặt hơn việc sử dụng nhà chung cư phải đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án được phê duyệt cũng như các điều khoản xử lý chuyển tiếp đối với những tồn tại từ trước bằng việc đưa mốc thời gian 6 tháng đối với cơ quan có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân điều chuyển việc kinh doanh khỏi CHCC khiến đông đảo cư dân đồng tình ủng hộ.
Luật chuyên ngành vướng Luật Doanh nghiệp
Đến nay, đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tức là hết thời gian điều chuyển địa điểm kinh doanh ra khỏi CHCC nhưng dường như các hoạt động này vẫn không hề có những thay đổi theo hướng khả quan.
Ông Từ Danh Trung - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 3 - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: Thực hiện hướng dẫn tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại CHCC. Tuy nhiên, Sở cũng vấp phải nhiều tranh luận gay gắt của doanh nghiệp, cùng mất tiền mua nhà như nhau mà nhà mặt đất thì được kinh doanh, CHCC thì bị cấm liệu có công bằng không? Doanh nghiệp còn viện dẫn Điều 43 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam”. Tức là chỗ nào có số nhà, ngõ ngách, tên đường phố đều được làm địa điểm kinh doanh.
Còn việc xử lý chuyển tiếp đối với giấy tờ đăng ký kinh doanh đã ghi địa chỉ tại CHCC, tập thể trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành được ông Trung cho biết cũng đang khó thực hiện. Bởi, dữ liệu quản lý cơ quan cấp đăng ký kinh doanh không cài đặt phần trình duyệt lọc doanh nghiệp theo địa chỉ kinh doanh nên đến nay còn chưa thống kê được có số lượng bao nhiêu doanh nghiệp đặt trụ sở tại CHCC, chứ đừng nói đến là rà soát, liên lạc, phổ biến quy định mới. Hiện, các phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới chỉ gặp được các doanh nghiệp có nhu cầu đến sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung giấy phép kinh doanh mà có địa chỉ tại CHCC thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ trao đổi phổ biến và khuyến khích chủ doanh nghiệp kết hợp làm luôn thủ tục. Trường hợp doanh nghiệp không chấp nhận cũng không thể xử lý vì cán bộ kế hoạch đầu tư không có thẩm quyền xử phạt cũng như chưa có điều khoản xử phạt vi phạm hành chính việc không thay đổi địa điểm ghi trên giấy đăng ký kinh doanh.
Bàn về vấn đề này, còn có nhiều lập luận khác cần các cơ quan, ban, ngành tổng hợp nghiên cứu như doanh nghiệp chấp hành quy định thay đổi địa điểm kinh doanh trên giấy chứng nhận nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại CHCC hoặc kinh doanh đủ loại ngành nghề nhưng không đăng ký kinh doanh thì kiểm tra xử lý như thế nào…, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nào, cơ quan cấp phép, chủ đầu tư nhà chung cư hay ban quản trị, ban quản lý tòa nhà. Nếu không làm rõ những thắc mắc này thì luật pháp sẽ khó đi vào thực tiễn, hoặc không bảo đảm công bằng, dễ xảy ra tình trạng đá quả bóng trách nhiệm...
Trước thực tế này, ngày 20-6-2016, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3664/UBND-KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật khác có quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong đó có nêu: Hiện nay, nhiều văn bản luật chuyên ngành nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản… quy định cấm sử dụng CHCC vào mục đích không phải để ở. Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì cụ thể hơn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là CHCC. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp thì chỉ quy định có địa chỉ hợp pháp để đăng ký kinh doanh. Đương nhiên việc sản xuất, kinh doanh gây ồn, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến các hộ dân khác cần phải chấm dứt. Nhưng nếu đặt trụ sở ở CHCC để lấy đó làm địa chỉ liên lạc hợp pháp trên giấy tờ đăng ký, làm cơ sở để giao nhận các thông tin kinh doanh hay các hoạt động không gây ảnh hưởng đến xung quanh như tư vấn, thiết kế phần mềm, bán hàng qua mạng… thì có được không? TP Hà Nội đã kiến nghị làm rõ về vấn đề này.
Bảo đảm an toàn nhà chung cư cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển thuận lợi đều là nhiệm vụ quan trọng của thành phố và các cơ quan trung ương. Nếu không sớm có quyết sách hợp lý hài hòa lợi ích các bên liên quan thì vừa gây khó cho cơ quan cấp giấy phép, kiểm tra, xử lý, vừa gây khó cho doanh nghiệp mà chưa chắc đã đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh đối với cư dân chung cư.