Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 05/09/2016
(HNM) - Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật trong đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bài bản...
2.530 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 2.530 vụ vi phạm SHTT, xử phạt 59,7 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, tình trạng vi phạm SHTT ngày càng phức tạp; hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép… được bày bán công khai; DN cố tình vi phạm về quyền SHTT đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại.
Công ty cổ phần Pin Hà Nội, một trong những đơn vị bị thiệt hại khá nhiều do sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Ảnh: Hoàng Hùng |
Thực tế, không phải các DN “nội” không ý thức được việc bảo vệ thương hiệu trước hàng giả, hàng nhái, song trong cuộc đấu tranh với hàng giả, DN luôn ở thế yếu. Ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Pin Hà Nội chia sẻ, Công ty thiệt hại khá nhiều trong sản xuất, kinh doanh, do sản phẩm giả mẫu mã pin Hà Nội. Hằng năm, Pin Hà Nội đều đưa ra mẫu mã mới để chống hàng giả, song cùng lắm là hai tháng sau, trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm giả y hệt, với mức giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá trị hàng thật. Công ty gửi mẫu tới các đơn vị chức năng để khiếu kiện, nhưng nhiều thủ tục phức tạp khiến DN ngại. Thực tế, nhiều DN chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình; thậm chí, có DN thờ ơ, né tránh, không hợp tác với lực lượng chức năng, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Ông Vũ Tiến Dũng, Phòng Quan hệ cộng đồng - Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, nguyên do DN ngại va chạm với các hộ kinh doanh.
Chủ động mời doanh nghiệp tham gia kiểm soát hàng giả
Trong tiến trình hội nhập, DN Việt phải bước vào môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy nhiên, không ít DN còn lúng túng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến xác lập, bảo vệ, khai thác thương mại quyền SHTT. Dù chứng nhận về quyền SHTT là vật chứng bảo đảm pháp lý cho DN, song số liệu của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, chỉ có 20% là của DN Việt Nam; đa số là đăng ký của các DN tư nhân, rất ít DN nhà nước tham gia.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Đỗ Thanh Lam cho rằng, một mặt DN thờ ơ, chưa thấy rõ tác dụng của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, mặt khác khi công bố dấu hiệu hàng thật, hàng giả, đối tượng sản xuất sẽ nắm được những đặc điểm hàng hóa để làm giả hàng hóa tinh vi hơn. Cùng quan điểm, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, một số vụ việc lực lượng QLTT tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nhưng khi liên hệ với DN là chủ nhãn hiệu, đề nghị hỗ trợ xác nhận hàng thật - hàng giả thì DN không hợp tác. Do vậy, Chi cục QLTT Hà Nội không có cơ sở chắc chắn để xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, để việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đạt hiệu quả, DN cần có cán bộ chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT để cung cấp cho lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, đăng ký tham gia “Quy trình xác thực chống hàng giả” cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu, đã được nhiều DN nội áp dụng. Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho biết, để DN không còn tâm lý e ngại, lực lượng QLTT nên chia sẻ với DN các văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa quy trình, thủ tục xử lý xâm phạm quyền SHTT; mời DN tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý khi cần thiết, nhằm rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền SHTT.