Báo động nạn bơm tạp chất vào tôm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Kinh tế - Ngày đăng : 08:51, 05/09/2016
Lạm dụng hóa chất Trung Quốc để chăn nuôi
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 7 và tháng 8, lực lượng chức năng đã lấy 662 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu để xét nghiệm chất cấm salbutamol.
Kết quả cho thấy, chỉ có 9 mẫu dương tính, thuộc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Dương, Hưng Yên và Bình Định. Ông Nguyễn Văn Việt nhìn nhận, hành vi sử dụng chất cấm là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua trực tiếp chất cấm salbutamol về trộn vào thức ăn chăn nuôi hoặc hòa vào nước uống cho vật nuôi.
Mặc dù tình trạng lạm dụng chất salbutamol trong chăn nuôi có xu hướng giảm mạnh nhưng lại xuất hiện việc lạm dụng hóa chất công nghiệp để đưa vào thức ăn chăn nuôi.
Đoàn thị sát cơ sở sản xuất tôm giống tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Ánh. |
Cụ thể, kiểm tra đột xuất đối với 16 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản, đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, hóa chất công nghiệp (đã được phát hiện) là các loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp như nhuộm màu sợi vải, nhuộm giấy; các loại hóa chất làm sơn, vôi ve quét tường; các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón vô cơ….
Các loại hóa chất này rất phổ biến, được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và được bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất, được các công ty hóa chất nhập và phân phối. Việc nhập khẩu, kinh doanh và bày bán các loại hóa chất công nghiệp là hoàn toàn không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp và sai phạm ở đây là người mua dùng sai mục đích.
Trên thùng sản phẩm đều có khuyến cáo là chỉ sử dụng trong công nghiệp, không sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và thực phẩm nhưng các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các công ty sản xuất vật tư thủy sản một phần do thiếu sự hiểu biết, một phần do cố tình mua và sử dụng sai mục đích nhằm chuộc lợi kinh tế. Hiện tại, trên thị trường thì giá của 1kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí là chỉ bằng 1/3.
“Sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm động vật này sẽ bị tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, ông Nguyễn Văn Việt cho hay.
Việc dùng hóa chất công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản là một hành vi nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới xuất khẩu của ngành Thủy sản. Trong năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng.
Chất “tạo nạc” mới trong chăn nuôi
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện sử dụng chất Systeamine để chăn nuôi. Systeamine là một tiền hooc môn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Tại Việt Nam, chất này liệt vào hóa chất hạn chế sử dụng. Bộ NN&PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi.
Lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản lại đang rộ lên. |
Trong tháng 8, qua thanh tra đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới, có nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi Maxsure và Synergrow có chứa chất Systeamine với hàm lượng đậm đặc 3%. Thanh tra Bộ NN&PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Đối với việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây đều là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập. Qua thanh tra phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm bán sai đối tượng. Đây đều là công ty nhập khẩu với mục đích thương mại.
Trung bình có khoảng 16% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu đã bị bán sai đối tượng, các đối tượng này mua về sẽ sử dụng nguyên liệu kháng sinh sai mục đích. Đối với các công ty thương mại thì tỷ lệ vi phạm là 22%.
Thanh tra Bộ đã xử lý nghiêm đối với các công ty nhập khẩu có hành vi vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.
Còn ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, tỷ lệ mẫu thủy sản vi phạm dư lượng kháng sinh, chất cấm vượt giới hạn cho phép trong 8 tháng qua là 1,23%, tăng so với tỷ lệ 0,89% của năm 2015. Tuy nhiên việc số mẫu thủy sản vi phạm tăng cũng không phải bất thường do việc kiểm tra lấy mẫu trên diện rộng.
Về đường đi của kháng sinh, ông Nguyễn Văn Việt thông tin, các công ty được Cục Thú y cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu và bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho nuôi trồng thủy sản. Đây cũng được xác định là con đường đi của kháng sinh cấm Enrofloxacin trong nuôi trồng thủy sản.
Ngoài tình trạng lạm dụng kháng sinh thì việc bơm tạp chất vào tôm đang nổi lên như một hiện tượng. Trong tháng 9, thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ tập trung ráo riết xử lý tình trạng này.