Chính trường Đức: Sự trỗi dậy đã được dự báo

Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 06/09/2016

(HNM) - Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hứng chịu những thất bại nặng nề tại các cuộc bầu cử Nghị viện địa phương, vốn được coi là phép thử quan trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra năm 2017.

Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của nữ Thủ tướng Đức A.Merkel liên tục thất bại trong bầu cử Nghị viện địa phương.



Ngày 5-9, kết quả bầu cử Nghị viện tại bang Mecklenburg-Vorpommern cho thấy, CDU chỉ giành được 19% phiếu và bị đẩy xuống hàng thứ ba sau đảng Dân túy cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) với 20,9% số phiếu. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), với đường lối trung tả giành 30,5% số phiếu ủng hộ. Việc CDU bị AfD "vượt mặt" là điều đã được dự đoán bởi ngay trước cuộc bầu cử, Thủ tướng A.Merkel đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ này khi kết quả các cuộc thăm dò đều cho thấy CDU và AfD bám đuổi nhau sát nút.

Đây không phải lần đầu tiên CDU phải hứng chịu thất bại trong bầu cử Nghị viện. Trước đó, giữa tháng 3 vừa qua, đảng cầm quyền của nước Đức cũng đã hứng cú sốc lớn khi để SPD dẫn đầu tại 3 bang gồm Rheinland-Pfalz, Sachsen-Anhalt và Baden-Würtemberg. Giới quan sát cho rằng, kết quả bầu cử là câu trả lời rõ ràng của cử tri đối với chính sách người nhập cư gây tranh cãi của bà A.Merkel. Theo kết quả cuộc thăm dò do Viện Infratest Dimap thực hiện, 1 năm sau quyết định mở cửa tiếp nhận người tị nạn vào Đức, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng A.Merkel đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Chỉ 45% người được hỏi bày tỏ hài lòng với công việc của bà. “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” theo bầu chọn của Tạp chí Forbes đã tụt xuống vị trí thứ 6 về mức độ yêu thích trong thang điểm dành cho chính trị gia Đức.

Mới đây, nhà lãnh đạo 62 tuổi này đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận những sai lầm của nước Đức nói riêng và Liên minh Châu Âu (EU) nói chung liên quan chính sách người tị nạn. Theo bà A.Merkel, ngay từ năm 2004 và 2005, đã có nhiều người tị nạn tới Châu Âu song Lục địa già lại để Tây Ban Nha và các nước nằm ở biên giới EU khác tự giải quyết vấn đề của họ. Nước Đức đã “phớt lờ” vấn đề này trong một thời gian dài mà quan tâm những ưu tiên khác sau khi đã tiếp nhận nhiều người tị nạn từ cuộc chiến tranh Nam Tư. Berlin cũng từ chối những cải cách cần thiết của EU - như việc phân bổ theo tỷ lệ người tị nạn hay việc bảo vệ biên giới ngoài EU - do lo ngại việc đó có thể xâm phạm tới chủ quyền quốc gia.

Uy tín của CDU giảm sút đã trao cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ cho đảng cánh hữu AfD với chủ trương chống người nhập cư. Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ AfD giành được thắng lợi lớn như vậy là do đảng này đã biết cách thu hút những cử tri trung dung và số cử tri thất vọng hoặc phản đối chính sách hiện nay của Chính phủ. Những người chưa bao giờ đi bầu cử cũng được AfD vận động đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, thành công của đảng AfD sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Đức, nhất là khu vực phía Đông, vốn phụ thuộc vào đầu tư của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài. Một số ý kiến khác cảnh báo, sự nổi lên của AfD sẽ khuyến khích khuynh hướng cực hữu và phân biệt chủng tộc. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi các thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, nước Đức đã ghi nhận 705 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở của người tị nạn.

Việc đảng cực hữu AfD liên tục gia tăng vị thế sẽ là yếu tố gây tranh cãi và tạo sức ép không nhỏ đối với hai đảng lớn nhất hiện nay gồm CDU và SPD trong chiến dịch tranh cử vào năm tới. Nếu các chính sách đang áp dụng được duy trì, AfD sẽ tiếp tục giành lấy cơ hội để vươn lên như những gì đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) đã làm ở Pháp thời gian qua.

Quỳnh Dương