Cần biện pháp ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 06/09/2016

(HNM) - 16.045 tỷ đồng là số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, vụ việc một phụ nữ mới đây thuê người chặt chân, tay của mình rồi tạo hiện trường giả với ý đồ trục lợi bảo hiểm (TLBH) cho thấy, đây là một nguy cơ không nhỏ đòi hỏi cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn tiền quỹ rơi vào tay các đối tượng trục lợi.

Khâu giám định thiệt hại để chi trả bảo hiểm rất dễ bị “điều chỉnh” trục lợi.


Trục lợi một cách tinh vi

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngay sau khi xảy ra vụ việc Lý Thị N. (Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt chân, tay, rồi dựng hiện trường tai nạn tàu hỏa hòng nhận bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, hành vi này chỉ là một trong vô số hành vi TLBH từng được ghi nhận. Tuy nhiên, một phụ nữ, tuổi đời còn trẻ lại dám thuê người hủy hoại sức khỏe của mình là việc không thể ngờ tới. Bởi khi thực hiện, người phụ nữ đã không lường trước được hậu quả, dù cô đã trù tính kỹ càng.

Trên thực tế, TLBH là một trong những vấn đề nóng bỏng của tất cả các DNBH. Theo một DNBH, cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các DN thường xuyên phải đối mặt với những hành vi cố ý tự hủy hoại sức khỏe, tài sản của mình; hoặc cố ý giả mạo, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Hiện khó có con số thống kê về tình trạng TLBH do hầu hết DNBH không muốn nêu ra vì lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu.

Tuy nhiên, động cơ mua bảo hiểm để trục lợi của một số đối tượng là rất cao, vì lợi nhuận từ khoản trục lợi này nếu trót lọt rất lớn. Đối tượng trục lợi chỉ bỏ ra số tiền không lớn nhưng có thể thu lợi gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần. Trên thực tế, DNBH đã phát hiện nhiều trường hợp nhờ người ký khống giấy tờ, lập hồ sơ tham gia bảo hiểm để trục lợi. Có người đã chết trước thời điểm tham gia bảo hiểm nhưng người thân làm giấy chứng tử gian lận thời gian chết, để đòi thụ hưởng bảo hiểm…

Chế tài có nhẹ?

Vì tính chất phức tạp của TLBH nên tại Điều 213, Bộ luật Hình sự 2005 đã quy định khung hình phạt các hành vi gian lận bảo hiểm. Trong đó, DNBH, nhân viên, đại lý bảo hiểm có thể bị kết tội khi thông đồng với người được bảo hiểm, để lấy tiền bảo hiểm trái pháp luật. Trong trường hợp có bằng chứng về việc bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý gây thiệt hại tài sản hoặc tự ý gây thương tích, DNBH có quyền từ chối bồi thường bảo hiểm. Người có hành vi TLBH tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Trở lại vụ việc chị Lý Thị N. thuê người chặt tay, chân của mình với giá 50 triệu đồng rồi dựng hiện trường tai nạn giao thông, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, do chưa lấy được tiền bồi thường bảo hiểm nên đối tượng chưa bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, theo Nghị định 167/CP năm 2013 của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, tội danh TLBH thường bị xử lý rất nặng. Theo ông Phùng Đắc Lộc, TLBH bản chất là hành vi chiếm đoạt tiền của những người tham gia bảo hiểm khác, chứ không đơn thuần là tiền của công ty bảo hiểm. Bởi tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là tiền tích cóp của nhiều cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, với tính chất huy động của số đông hỗ trợ số ít gặp hoạn nạn. Trong các vụ trục lợi có tính chất nghiêm trọng, nên khởi tố hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù. Điều 223 của dự thảo nêu rõ, người thực hiện một trong các hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng (như làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng bảo hiểm; lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện bảo hiểm) thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 lần số tiền đã chiếm đoạt, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Hương Ly