Xây dựng thương hiệu cho nông sản: Vẫn chỉ dừng ở kế hoạch
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 07/09/2016
Xây dựng thương hiệu cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam là rất cần thiết. |
Vắng bóng nông sản thương hiệu Việt
Theo Bộ NN&PTNT, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì chỉ có khoảng 15% là của các doanh nghiệp (DN) trong nước, còn lại hơn 80% hàng nông sản của ta bán ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Ngay tại thị trường trong nước cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Vì chưa xây dựng được thương hiệu nên nhiều loại nông sản Việt không có sức cạnh tranh trên thị trường lớn và nhanh chóng bị DN nước ngoài thâu tóm, thậm chí điều này còn xảy ra ngay ở trong nước. Đồng quan điểm đó, ông Đoàn Anh Tuân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đang xếp thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, nhưng vì không chú trọng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nên giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ đạt 1.698 USD/tấn, bằng một nửa giá chè bình quân của thế giới. Trong khi đó, một số DN của Anh sau khi mua chè của nước ta về tinh chế đã bán ra thị trường với giá 9.800 USD/tấn. Thương hiệu thường chiếm tới 40-60% giá trị sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, không chỉ sản phẩm chè, những sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, điều… vẫn đang loay hoay bài toán xây dựng thương hiệu. Trên thị trường thế giới, các sản phẩm gắn nhãn “Made in Việt Nam” rất hiếm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nguyên nhân chính là sản xuất của ta còn manh mún, DN kinh doanh xuất khẩu nông sản vẫn mang tính “chộp giật”, chưa có chiến lược dài hơi.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia không chỉ dừng lại ở quyền lợi của DN hay nông dân, mà đây còn là quyền lợi và lợi ích của quốc gia. Thực tế, nông nghiệp hằng năm vẫn đóng góp GDP rất lớn cho nền kinh tế nước nhà, đặc biệt, tỷ lệ người dân Việt Nam sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp còn rất cao. Do đó, Nhà nước cần giữ vai trò đầu tàu và có những chiến lược, chính sách hỗ trợ cùng DN xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam Nguyễn Minh Châu cho rằng: Tồn tại lớn nhất của xuất khẩu nông sản của nước ta là xuất thô quá nhiều, làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Ví dụ như cà phê, gạo, mặc dù đứng nhất nhì thế giới nhưng các sản phẩm này vẫn bị các nước khác thâu tóm về giá và thường bị động trong giao dịch. “Chúng ta vẫn luôn nói về việc cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho các nông sản, nhưng có bàn bạc mà không có thay đổi. Do đó, các DN cần liên kết để tạo thế chủ động và xây dựng cho mình một thương hiệu đủ mạnh, bền vững, trong đó sự hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng” - ông Châu nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hiện Nhà nước đã xây dựng được hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước. Trong đó, gần đây nhất, sẽ sớm hoàn thiện xây dựng lôgô và thương hiệu cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Hiện nhiều DN cũng như người sản xuất chưa hiểu được giá trị của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như xây dựng thương hiệu nông sản nên chưa tích cực hợp tác. Đặc biệt, để xây dựng được thương hiệu cần liên kết các DN với người sản xuất, hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, có giá trị cao, đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh về chất lượng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, An Giang cho rằng, việc có lôgô - thương hiệu gạo quốc gia hay bất cứ nông sản nào không khó, cái khó là phải có những sản phẩm chất lượng để gắn liền với thương hiệu đó. "Muốn vậy thì phải có giống chủ lực, vùng sản xuất chuyên canh, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc gia mới cho hiệu quả" - ông Thòn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: “Ý thức xây dựng thương hiệu của các DN Việt Nam vẫn còn kém, nhất là các DN kinh doanh nông sản. Theo đó, chỉ có khoảng 32% DN trong tổng số DN xuất khẩu nông sản của nước ta có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng nông sản Việt không có chỗ đứng trên thị trường thế giới cũng như trong nước”. |