Chớ vội thỏa mãn!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 08/09/2016

(HNM) - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.


Thế nhưng, riêng tháng 8, tình hình trật tự an toàn giao thông lại diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất là số vụ tai nạn tăng 2,8%, số người chết do tai nạn giao thông tăng 7,8%. Nhìn vào số liệu 8 tháng thấy thật đáng mừng, nhưng với diễn biến trong tháng 8, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi liệu có sự thỏa mãn với kết quả đạt được, để rồi…?

Tháng 8 là tháng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định 46/NĐ-CP, ngày 25-6-2016, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 100 nghìn trường hợp vi phạm, thu phạt hơn 76 tỷ đồng, tước hơn 8 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ gần 700 ô tô và hơn 15 nghìn xe mô tô.

Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, mức phạt nghiêm khắc (nhiều trường hợp điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia bị phạt tới hơn chục triệu đồng) đã tác động tích cực tới ý thức người tham gia giao thông. Vậy tại sao tai nạn, số người chết do tai nạn vẫn tăng trong tháng 8? Thật khó lý giải! Nhất là khi trước đây đại diện một số cơ quan hành pháp thường phàn nàn do mức phạt quá nhẹ nên không đủ sức răn đe.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao trong tháng 8. Trong đó, đáng lưu ý là nguyên nhân thứ nhất: “… còn tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện… Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương, cũng như ở cấp cơ sở, cấp quận, huyện, xã, phường chưa cao, chưa quyết liệt”. Có thể thấy, đó là đánh giá hết sức thẳng thắn và nghiêm túc. Mức phạt có tăng, công cụ trong tay có mạnh, nhưng nếu chất lượng cán bộ “có vấn đề”, không làm hết trách nhiệm, thiếu quyết liệt, thậm chí còn vì tư lợi thì mọi sự vẫn “nguyễn y vân”.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016, phiên họp đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã nhấn mạnh: “Chính phủ thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, loại bỏ dần biện pháp mệnh lệnh - hành chính, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển”. Trên tinh thần đó, thời gian qua, các thành viên Chính phủ đã liên tục về với cơ sở, lắng nghe và trực tiếp giải quyết, chỉ đạo giải quyết những vấn đề cụ thể, bức xúc dân sinh.

Nhưng rõ ràng nhận định về “… tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương, cũng như ở cấp cơ sở, cấp quận, huyện, xã, phường chưa cao, chưa quyết liệt” như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu ra đang cho thấy - còn một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở tham gia vào công tác bảo đảm an toàn giao thông vẫn chưa "thấm" được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bởi thế, dẫu những con số về tình hình tai nạn giao thông có giảm, thì cũng chưa thể cho phép những tập thể, cá nhân liên quan được thỏa mãn.

Hơn thế, cần thấm nhuần sâu sắc tinh thần của Chỉ thị số 26/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5-9-2016 (về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp), phải "nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ; không đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc...". Bởi phía sau sự thiếu tinh thần trách nhiệm là những đau thương, mất mát...

Mai Lâm