Xử phạt hơn 22 tỷ đồng 4.100 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 16:37, 08/09/2016
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 59.000 cơ sở thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 1.440 đoàn thanh, kiểm tra và thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo chức năng nhiệm vụ của ngành, kiểm tra 50 lượt tiến độ hoạt động của 30/30 ban chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã. Mặt khác, thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP phục vụ Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP, 5 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất những điểm nóng về ATTP và kiểm tra ATTP Tết Trung thu. Qua kiểm tra gần 80.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 12.000 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.100 cơ sở với số tiền phạt hơn 22 tỷ đồng, trong đó chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ, đồng thời tiêu huỷ nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Riêng đối với lĩnh vực ATTP của ngành nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016 đã thanh, kiểm tra hơn 6.800 lượt cơ sở, phát hiện 725 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 10,62%), trong đó có 301 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu tập trung vào lỗi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; không công bố hợp quy, phù hợp ATTP; vi phạm nhãn hàng hoá; không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất ; hàng hoá không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng…
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác quản lý ATTP còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là hiện chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu phí, lệ phí trong việc xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã/phường/thị trấn dù thời gian qua đã được đẩy mạnh, đặc biệt là ở 10 xã/phường thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP nhưng vẫn còn chưa kiên quyết, chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Trong khi đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường/thị trấn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nhiều chợ tạm, chợ cóc… Cùng với đó, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn…
Để đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, từ nay đến cuối năm, Sở NN& PTNT sẽ tập trung tăng cường quản lý các chợ đầu mối, Sở Công Thương quản lý các chợ dân sinh, kiểm soát chặt chẽ đối với các chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, trung tâm thương mại… Trong quá trình quản lý ATTP, thành phố cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, giao chủ tịch UBND quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra giám sát chủ tịch UBND xã, phường thực hiện công tác ATTP. Cùng với đó, tăng cường bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua nhưng Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực ATTP. Mặt khác, dù địa bàn thành phố chưa có người tử vong do ngộ độc thực phẩm nhưng vẫn có những ca ngộ độc thực phẩm rải rác. Do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo ATTP theo Chỉ thị 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng nhân rộng các hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn. Mặt khác, tăng cường thanh tra xử lý vi phạm, nhân rộng thanh tra chuyên ngành ATTP đồng loạt tại 30quận, huyện, thị xã và 584 xã/phường/thị trấn như 5 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn đang triển khai thí điểm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thời gian tới, công tác quản lý ATTP tiếp tục tập trung vào các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm… Đặc biệt, tập trung vào vấn đề ATTP trong trường hợp. Tất cả trường học phải mua rau, thực phẩm của các cơ sơ an toàn, được cấp chứng nhận ATTP. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trường nào vi phạm phải xử lý ngay, phải xử lý mạnh tay, không thể để có “vùng cấm” trong ATTP. Mặt khác, thành phố sẽ có cơ chế khen thưởng nếu đơn vị nào làm tốt. Cụ thể, sẽ khen thưởng đột xuất, khen thưởng hành vi sản xuất tốt của người sản xuất, hành vi tốt của cơ quan chức năng.