Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Bài toán không dễ giải

Giáo dục - Ngày đăng : 07:04, 08/09/2016

(HNM) - Một trong những phần việc trọng tâm năm học 2016-2017 là Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng nhà trường. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học là hai yếu tố quyết định quan trọng tới chất lượng giáo dục (GD) ở mỗi đơn vị.


"Điệp khúc" thiếu đất, thiếu tiền

Bên cạnh yếu tố về đội ngũ giáo viên thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là một trong những điều kiện bảo đảm chất lượng GD của các nhà trường. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, ước chi ngân sách nhà nước cho toàn Ngành GD-ĐT năm 2015 đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước như mục tiêu đề ra, nhưng theo báo cáo từ nhiều địa phương thì kinh phí chi thực tế chủ yếu là cho con người, phần kinh phí để chi cho các điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng GD, nhất là trong điều kiện thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo định hướng GD toàn diện, coi trọng rèn kỹ năng cho HS thông qua các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu.

Trường Mầm non A xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội có cơ sở vật chất hiện đại. Ảnh: Anh Tuấn



Hà Nội - địa phương có nhiều thuận lợi về điều kiện kinh tế - xã hội so với nhiều nơi khác, cũng vướng nỗi khó này. Ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho biết, so với quy mô học sinh (HS) và yêu cầu nhiệm vụ, trên địa bàn huyện còn thiếu hàng trăm phòng học; nhiều trường còn thiếu các hạng mục cơ bản như phòng chức năng, nhà thể chất, thư viện, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Nhưng việc đầu tư đối với huyện khó khăn như Ba Vì là một bài toán không dễ tìm lời giải. Tương tự, lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, hằng năm tỷ lệ chi cho GD-ĐT của huyện chiếm đến 50% tổng ngân sách địa phương nhưng vẫn không xuể bởi mạng lưới trường trên địa bàn quá rộng, nhiều trường học xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục cần đầu tư cải tạo...

Hạn chế về cơ sở vật chất được Bộ GD-ĐT xác nhận là một trong những yếu kém cơ bản cần được khắc phục ở các nhà trường. Đầu việc đã rõ, nhưng giải quyết thế nào nhiều khi không chỉ bằng sự nỗ lực của ngành là đủ. Việc xây dựng thêm trường, phòng học là một ví dụ. Tại Hà Nội, điểm vướng chung của hầu hết các quận nội thành khi mở rộng mạng lưới trường học là thiếu đất. Dù đã có cơ chế đặc thù là được nâng tầng, song so với đòi hỏi từ thực tế thì các trường học khu vực nội thành còn thiếu nhiều phòng học, diện tích đất tối thiểu cho một HS chưa đạt quy định. Theo Quyết định 3075/QĐ-UBND ngày 12-7-2012 phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng ở mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị có một hệ thống trường công lập đủ 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) và từ 3 đến 5 vạn dân có 1 trường THPT; diện tích đất tối thiểu là 6 mét vuông/HS (ở nội thành), 10 mét vuông/HS (ở ngoại thành).

"Nóng" bậc học mầm non

Những năm gần đây, mầm non (MN) - bậc học được coi là nền tảng của GD tiểu học và GD phổ thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc đưa trẻ đến trường đã trở thành nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, mạng lưới trường trong thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh, nhất là ở những địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp… Tình trạng thiếu trường, lớp MN dẫn đến quy mô lớp lên đến 60 trẻ/lớp, thậm chí cao hơn, không phải là hiếm ở các thành phố lớn. Thiếu chỗ học ở các trường công lập còn là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ huynh nhắm mắt gửi con tại các cơ sở MN tư thục tuềnh toàng, thiếu các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tối thiểu.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non, Bộ GD-ĐT xác nhận: Tính đến cuối năm học 2015-2016, tỷ lệ phòng học kiên cố của cả nước chỉ đạt 66%. Tổng số phòng học tạm, phòng học nhờ là hơn 15 nghìn phòng, chưa kể tại nhiều địa phương còn thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày cho trẻ. Các công trình nhà vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, đồ dùng, đồ chơi… ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN theo quy định của Bộ GD-ĐT. Khó khăn nhất là ở các điểm lẻ MN, tỷ lệ nhóm, lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mới đạt 77%... Tổng hợp số liệu từ các địa phương còn cho thấy, mới có 26% số trường MN có phòng giáo dục thể chất; 25% số nhóm trẻ và 17% số lớp mẫu giáo còn thiếu thiết bị, đồ chơi GD phát triển vận động… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chương trình GDMN, khiến cho trẻ gặp nhiều thiệt thòi. Các điều kiện tối thiểu còn thiếu thốn như vậy nên nhiều nơi không thể đầu tư cho việc xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương như Lạng Sơn, Trà Vinh, An Giang… trong cả một năm học không xây dựng thêm được một trường chuẩn nào. Tính trung bình cả nước, tỷ lệ trường MN đạt chuẩn quốc gia mới đạt 35%.

Tại Hà Nội, tỷ lệ trường MN đạt chuẩn đã đạt mức trên 50%, song so với yêu cầu nhiệm vụ thì những nỗ lực này vẫn cần tiếp tục. Tính đến cuối năm học 2015-2016, Hà Nội còn 4 xã trong tổng số 584 xã chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, nguyên nhân chính là do những hạn chế về điều kiện phòng, lớp học, trang thiết bị. Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cần nhìn lại tổng thể công tác đầu tư cho các bậc học một cách thiết thực và tương xứng với vị thế, yêu cầu nhiệm vụ.

Thống Nhất